(HNM) - Trong lúc những tranh cãi về siết chặt kiểm soát súng đạn vẫn chưa tìm được hồi kết, nước Mỹ lại vừa rúng động bởi một vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Virginia Beach của bang Virginia, làm 12 người thiệt mạng và 6 người bị thương, trong đó có 1 cảnh sát.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ xả súng nhằm vào tòa nhà chính quyền thành phố Virginia Beach, bang Virginia (Mỹ). Ảnh: BBC – TTXVN |
Cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach James Cervera cho biết, vụ việc xảy ra lúc 16h ngày 31-5, giờ địa phương (5h ngày 1-6 giờ Việt Nam). Nghi can là một nam công chức. Người này đã bất ngờ xả súng bừa bãi vào các đồng nghiệp tại tòa nhà chính quyền thành phố trong khi di chuyển qua các tầng của tòa nhà, sau đó đấu súng với cảnh sát trước khi bị bắn hạ.
Nghi phạm sử dụng khẩu súng ngắn gắn thiết bị giảm thanh và ổ đạn được kéo dài để có thể nạp đạn liên tục. Một súng máy và một súng trường cũng được tìm thấy tại hiện trường. Cảnh sát cho rằng nghi can là một viên chức bất mãn và nhiều khả năng đây là hành động tự phát không có đồng phạm.
Vụ việc đã làm "nóng" trở lại cuộc tranh cãi về luật sở hữu vũ khí tại Mỹ vốn đang trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”, cho dù số người thiệt mạng do súng đạn tại nước này vẫn tăng dần hằng năm. Trong một diễn biến mới nhất, các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã có phản ứng đặc biệt khi lên án khủng hoảng bạo lực súng đạn.
Trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana, Pete Buttigieg viết: "Rõ ràng không thể chấp nhận việc Mỹ vẫn là nước phát triển duy nhất mà điều này xảy ra thường xuyên. Chúng ta phải hành động".
Còn Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders của bang Vermont, cũng là một ứng cử viên tranh cử tổng thống sắp tới, đã lên án Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA), nhóm ủng hộ mạnh mẽ sở hữu vũ khí tư nhân khi cho rằng "Thời mà NRA kiểm soát Quốc hội và soạn thảo luật súng đạn phải chấm dứt. Quốc hội phải lắng nghe người dân Mỹ và thông qua luật về an toàn súng đạn".
Kết quả khảo sát của nhiều tổ chức thời gian gần đây đã đưa ra những con số “giật mình”. Theo số liệu của Liên hợp quốc, không một quốc gia phát triển nào trên thế giới lại phải đối mặt với mức độ bạo lực súng đạn cao như Mỹ. Tỷ lệ này cao gấp 6 lần so với Canada, hơn 7 lần so với Thụy Điển và gần 16 lần so với Đức. Ước tính vào năm 2018, khoảng 14.611 người Mỹ chết vì súng đạn. Trong khi đó, theo các cuộc khảo sát từ Trung tâm nghiên cứu Pew, người Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu khoảng 45% vũ khí tư nhân của thế giới.
Dường như đã trở thành một thói quen, cứ sau mỗi vụ xả súng, các cuộc biểu tình, tranh luận về sở hữu vũ khí lại nổ ra trên toàn nước Mỹ. Thậm chí một vài dự luật về vấn đề này cũng được đưa ra. Đầu tháng 2-2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật an toàn súng đạn quy mô lớn, cho phép mở rộng việc kiểm tra lai lịch đối với gần như mọi trường hợp mua bán súng. Đây là dự luật siết chặt kiểm soát vũ khí đầu tiên được Hạ viện Mỹ thông qua trong vòng 1/4 thế kỷ và được coi là bước đột phá trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn.
Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm đa số. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump, người có sự hậu thuẫn lớn của NRA và các tổ chức ủng hộ quyền sở hữu súng, đã tuyên bố sẽ bác bỏ dự luật này nếu được Quốc hội thông qua.
Chính vì tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên dù số người chết do súng đạn trung bình 5 năm trở lại đây tại Mỹ lên tới khoảng 30.000 người/năm, Chính phủ nước này vẫn chưa triển khai được chính sách hiệu quả nào nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.