Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy

Nguyễn Linh| 16/03/2013 06:50

(HNM) - Theo báo cáo của Bộ Công an, toàn quốc hiện có 171.400 người nghiện, tăng 12.900 người (7,7%) so với cùng kỳ năm 2012. Thực tế này đòi hỏi cần phải có cách làm hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai…

Các học viên cai nghiện ma túy trong giờ học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 6. Ảnh: Khánh Nguyên



Cai nghiện và quản lý sau cai luôn là vấn đề gặp nhiều khó khăn, đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo Nghị định 94, việc xác định tình trạng nghiện do trạm trưởng trạm y tế cơ sở xác nhận. Để làm được việc này, người nghiện phải làm nhiều xét nghiệm, được theo dõi các dấu hiệu lâm sàng liên tục trong 72 giờ. Quy định là vậy nhưng không dễ triển khai vì thiếu cơ sở pháp lý để có thể giữ đối tượng lại theo dõi trong thời gian trên. Tại 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội, các trạm y tế chưa được trang bị đủ điều kiện để thực hiện cắt cơn, cai nghiện. Hiện nay, ở nước ta cũng như nhiều quốc gia khác đang sử dụng thuốc hỗ trợ công tác cai nghiện, chưa có thuốc cai nghiện hiệu quả. Tại Hà Nội, trong liệu trình cắt cơn, thuốc an thần thường được sử dụng nhiều nhất. Loại thuốc này có đặc điểm gây tụt huyết áp, khó theo dõi. Trong khi đó, phần lớn cán bộ y tế chưa được tập huấn và đào tạo bài bản về liệu trình cắt cơn, nên họ sợ không dám làm hoặc thực hiện nửa vời, hạ liều từ 5 viên/lần uống xuống 3 viên/lần. Hậu quả là hiệu quả cai nghiện rất thấp. Theo Nghị định 94, ngoài các trung tâm chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội, việc cai nghiện được chuyển mạnh về gia đình và cộng đồng. Nhưng gia đình người nghiện phần lớn đã lâm cảnh "tán gia bại sản", không có tiền mua thuốc, sử dụng dịch vụ, chăm sóc dinh dưỡng cho người nghiện... Vì nhiều lý do, trên thực tế, việc cai nghiện chưa thực hiện được tại gia đình và cộng đồng.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH) chưa thực hiện liên tục, sâu rộng, nên nhận thức của cán bộ và người dân chưa đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong không ít trường hợp, khi người nghiện đang nỗ lực tự cai tại gia đình, giảm dần liều dùng ma túy một cách hiệu quả thì lại bị cơ quan chức năng ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Điều này gây khó cho gia đình và người nghiện. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP Hà Nội Nguyễn Đình Hiền cho biết: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cả Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) đã nhiều lần tổ chức thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhưng hiệu quả không cao nên cán bộ phòng chống TNXH, gia đình và người nghiện đều không tin tưởng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, Sở LĐ - TB& XH Hà Nội đang tham mưu với UBND thành phố xây dựng đề án đổi mới công tác cai nghiện và quản lý sau cai theo hướng mở, cạnh tranh, xã hội hóa. Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP Hà Nội Nguyễn Kim Hùng cho biết: Theo đề án này, nếu cơ sở không đủ điều kiện thực hiện cắt cơn, cai nghiện; người nghiện được quyền lựa chọn cơ sở để cai nghiện tự nguyện trên toàn thành phố. Sau thời gian cắt cơn, cai nghiện, người nghiện được tùy ý lựa chọn phương pháp hỗ trợ - quản lý sau cai tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các trung tâm. Đáp ứng nhu cầu của người nghiện, các trung tâm chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội phải có lộ trình đa dạng hóa, làm phong phú các chương trình cai nghiện về thời gian, địa điểm, hình thức dịch vụ, theo hướng xã hội hóa. Sẽ không còn sự phân biệt hỗ trợ giữa đối tượng cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Cũng theo đề án, 10 trung tâm chữa bệnh - giáo dục lao động xã hội trên toàn thành phố phải cạnh tranh lẫn nhau. Trung tâm nào thân thiện, hiệu quả, không tiêu cực, không bạo lực thì sẽ được người nghiện lựa chọn nhiều hơn. Đây chính là quá trình sàng lọc, thúc đẩy các trung tâm phải tự hoàn thiện dịch vụ cai nghiện theo hướng xã hội hóa, đổi mới toàn diện công tác cai nghiện và quản lý sau cai.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, loại trừ thái độ kỳ thị, thờ ơ với người nghiện, tạo niềm tin cho họ từ bỏ ma túy. Các ban, ngành, đoàn thể phải phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong theo dõi, giúp đỡ người nghiện ổn định cuộc sống, kiên trì vươn lên. Có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả gia đình, xã hội, công tác phòng chống ma túy mới hy vọng sẽ đạt hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.