(HNMO)- Ngày 25-5, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Michael Ryan cảnh báo các quốc gia đang chứng kiến diễn biến dịch Covid-19 thuyên giảm vẫn có thể phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, ông M.Ryan khẳng định thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của sự bùng phát vi rút SARS-CoV-2. Mặc dù số ca bệnh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Theo Tiến sĩ M.Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm.
Tính đến 6h ngày 26-5, đã có 347.123 người tử vong vì vi rút SARS-CoV-2 trong tổng số 5.575.234 ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới.
Châu Mỹ
Số ca tử vong tại Mỹ vì Covid-19 đã lên tới 99.754 người. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.703.881 người. Xếp sau Mỹ là Brazil với 370.060 ca nhiễm và 23.102 người tử vong. Nhà Trắng vừa thông báo đã quyết định cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với hầu hết công dân nước ngoài từng ở Brazil trong 2 tuần gần nhất, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành điểm nóng mới của đại dịch Covid-19.
Sàn giao dịch của Sở chứng khoán New York (NYSE) sẽ chính thức mở lại vào ngày 26-5 (giờ địa phương) sau hai tháng đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước mắt chỉ khoảng 1/4 số thành viên giao dịch tại sàn trước đây được trở lại làm việc.
Châu Á
Trung Quốc đã quyết định hồi hương các công dân của nước này khỏi Ấn Độ, bao gồm sinh viên, khách du lịch, người hành hương và doanh nhân cũng như nhiều người khác đang phải đối mặt với khó khăn và muốn trở về quê nhà trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với 144.941 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và hơn 4.000 người tử vong. Trong ngày 25-5, Ấn Độ đã cho phép các hãng hàng không nối lại việc khai thác các chuyến bay nội địa.
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 mới ở Malaysia tăng xấp xỉ 3 lần trong ngày 25-5 so với ngày trước đó, với 172 người, mức cao nhất trong 3 tuần qua.
Châu Âu
Ngày 25-5, Đan Mạch đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước khác ở Tây Bắc châu Âu và Đức.
Cùng ngày, Chính phủ Iceland cũng nới lỏng mức báo động quốc gia đối với dịch Covid-19, cho phép hoạt động tụ tập tới 200 người. Các câu lạc bộ đêm và phòng tập thể dục mở cửa trở lại trong bối cảnh nước này cơ bản đẩy lùi được đại dịch.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, quốc gia có lượng du khách trong và ngoài nước nhiều thứ hai thế giới đã lên tiếng mời gọi du khách nước ngoài trở lại nước này từ tháng 7 tới. Phát biểu trên đài phát thanh Onda Cero, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto đưa ra lời mời gọi trên khi quốc gia châu Âu này đang nỗ lực cứu vớt ngành du lịch vốn thu hút 80 triệu lượt khách mỗi năm.
Cũng trong ngày 25-5, người dân thủ đô Madrid, một trong những nơi từng là "ổ dịch" của Tây Ban Nha bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường, song vẫn phải đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội, được tụ tập không quá 10 người, đeo khẩu trang bắt buộc tại những nơi công cộng.
Tại Bỉ, người dân nước này bước vào phần tiếp theo của giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, học sinh thuộc các cấp đã trở lại trường và việc đeo khẩu trang không còn là điều bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tuổi.
Chính phủ Đức dự định tiếp tục kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 5-7 tới nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính phủ cũng sẽ nới lỏng một số hạn chế. Trong đó có việc cho phép không quá 10 người hoặc các thành viên của hai hộ gia đình được gặp nhau ở nơi công cộng hay trong không gian kín.
Giới chức Italia đã đề xuất thành lập đội ngũ tình nguyện viên gồm 60.000 người có nhiệm vụ nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh quốc gia này đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.