Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc đình chỉ tài trợ cho cơ quan Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) sẽ gây “hậu quả thảm khốc” đối với Gaza.
“Quyết định của nhiều quốc gia về việc tạm ngừng tài trợ cho UNRWA, cơ quan viện trợ nhân đạo lớn nhất trong cuộc khủng hoảng này, sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho người dân ở Gaza”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ).
Người đứng đầu cơ quan quản lý y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cân nhắc lại quyết định, với nhận định không thực thể nào khác ngoài UNRWA có khả năng bảo đảm quy mô và phạm vi hỗ trợ khẩn cấp đối với 2,2 triệu người dân ở Gaza đang chìm trong xung đột.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhắc lại lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn, bảo đảm an toàn cho đội ngũ nhân viên tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo và trả tự do toàn bộ con tin.
Khi lưu ý đến con số hơn 100.000 người ở Gaza đã thiệt mạng, được cho là đã thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đề cập đến những báo cáo về tình trạng thiếu lương thực đối với nhân viên y tế và bệnh nhân đang gia tăng.
“Nguy cơ xảy ra nạn đói rất cao và gia tăng mỗi ngày trong bối cảnh khả năng tiếp cận nhân đạo vẫn bị hạn chế”, người đứng đầu WHO lo ngại.
Theo Anadolu Agency, ít nhất 12 quốc gia đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến cuộc tấn công do Hamas thực hiện vào ngày 7-10-2023. UNRWA tuyên bố đã chấm dứt hợp đồng với một số nhân viên sau những cáo buộc và tiến hành một cuộc điều tra nội bộ.
Tại cuộc họp với các đại sứ Liên hợp quốc ở Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Hamas đã “xâm nhập hoàn toàn” UNRWA, do đó cần có các cơ quan Liên hợp quốc và cơ quan viện trợ khác thay thế, theo Times of Israel, ngày 1-2.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, xung đột tại Gaza đã khiến 85% dân số vùng lãnh thổ này phải di dời, gây ra tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men trầm trọng, trong khi 60% cơ sở hạ tầng đã bị hư hại hoặc phá hủy.
Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định, Gaza có thể khôi phục quy mô nền kinh tế trước xung đột ở những năm cuối của thế kỷ XXI nếu Israel chấm dứt ngay lập tức chiến dịch quân sự, theo Reuters.
Xung đột đã khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza giảm 24%, trong khi GDP bình quân đầu người giảm 26,1% trong cả năm 2023. Nếu xung đột kết thúc, quá trình tái thiết bắt đầu ngay lập tức và tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 0,4%, vùng lãnh thổ này có thể khôi phục mức GDP trước xung đột vào năm 2092. Ở viễn cảnh tích cực nhất với kịch bản GDP có thể tăng trưởng 10% mỗi năm, GDP bình quân đầu người của Gaza vẫn phải đến năm 2035 mới đạt mức của năm 2006.
UNCTAD cho biết, so với 3,9 tỷ USD để phục hồi sau khi Israel can thiệp quân sự vào năm 2014, Gaza sẽ cần gấp nhiều lần con số này nếu nhìn vào mức độ tàn phá và thiệt hại do cuộc xung đột hiện tại.
Theo ước tính của UNCTAD, những biện pháp phong tỏa của Israel đã khiến nền kinh tế Gaza rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay cả trước khi xảy ra xung đột do, với mức suy giảm 4,5% trong ba quý đầu năm 2023. 2/3 dân số Gaza sống trong nghèo đói và 45% lực lượng lao động chịu cảnh thất nghiệp trước xung đột. Tính đến tháng 12-2023, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 79,3%.
Ngày 1-2, AP thông tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trở lại Trung Đông vào cuối tuần này, đánh dấu chuyến thăm thứ năm kể từ khi xung đột nổ ra giữa Hamas và Israel.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông như một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm chuẩn bị cho công cuộc tái thiết và quản lý Gaza sau xung đột, tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường Palestine, giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ và ngăn chặn xung đột lan rộng.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn và thả con tin đang được tăng cường, đồng thời cũng là lúc lo ngại về một cuộc xung đột khu vực ngày càng gia tăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.