(HNMO) - Ngày 14-4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo vi rút SARS-CoV-2 nguy hiểm gấp 10 lần so với vi rút H1N1 gây đại dịch cúm toàn cầu năm 2009, đồng thời nhấn mạnh vắc xin phòng bệnh hiệu quả nhất là cần ngăn chặn triệt để nguy cơ lây nhiễm.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, các chuyên gia vẫn không ngừng nghiên cứu về loại vi rút mới đang hoành hành trên toàn cầu, khiến 120.438 người tử vong và 1.934.986 người mắc Covid-19. Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, số ca nhiễm vi rút ở một số quốc gia đang tăng gấp đôi chỉ sau 3 đến 4 ngày, nhưng nhấn mạnh, nếu các quốc gia kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly và chăm sóc đầy đủ cho các ca nhiễm, kết hợp theo dấu lịch sử tiếp xúc, thì việc dập dịch là hoàn toàn có thể. Ông lưu ý, các biện pháp kiểm soát chỉ nên được dỡ bỏ khi các biện pháp y tế cộng đồng cần thiết được áp dụng đầy đủ, trong đó phải kể đến biện pháp theo dấu tiếp xúc người có thể nhiễm bệnh.
Đồng quan điểm với WHO, nhiều chuyên gia y tế lo ngại việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Pasteur và cũng là cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia Pháp, Christian Brechot cho rằng, các nước cần phải hết sức thận trọng với vi rút SARS-CoV-2, không được phép lơ là hay chủ quan. Theo chuyên gia này, hiện vẫn chưa rõ mọi thứ liệu có thể trở lại bình thường “một cách kỳ diệu” sau một đại dịch ở quy mô như Covid-19 hay không.
Những khuyến cáo trên được đưa ra vào thời điểm một số quốc gia châu Âu, nơi có số ca tử vong vì Covid-19 lên tới hơn 80.000 người, đã bắt đầu dỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế. Trong đó, Đan Mạch sẽ mở cửa các điểm trông giữ trẻ ban ngày, các trường mầm non và tiểu học từ ngày 15-4. Cộng hoà Séc bắt đầu nới lỏng dần lệnh phong tỏa, cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại. Cũng trong ngày 14-4, Chính phủ Ba Lan cho biết nước này sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 19-4 tới, bắt đầu với việc dỡ bỏ hạn chế đối với các cửa hàng, trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống qua đường bưu điện vào ngày 10-5 tới. Đức, Áo cũng đang có động thái tương tự.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch Covid-19 tại Italia và Tây Ban Nha dường như đã lên đến đỉnh và đang ghi nhận tỷ lệ tử vong giảm dần. Tuy nhiên, sau thời kỳ đen tối nhất, cả Rome và Madrid đều chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp bảo vệ. Italia gia hạn các biện pháp phong tỏa tới ngày 3-5, trong khi Tây Ban Nha kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 25-4. Ireland, Bồ Đào Nha và Bỉ cũng đều đã gia hạn các biện pháp tại mỗi nước.
Giám đốc Dịch vụ Y tế công Pháp Jerome Salomon cho rằng, số ca phải nhập viện chăm sóc đặc biệt giảm nhẹ mới chỉ là một tia tích cực nhỏ nhoi, đồng thời, cảnh báo nước này có thể sẽ phải trải qua một mức đỉnh dịch rất cao. Ông Jean-Francois Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu khoa học vi rút SARS-CoV-2 chuyên tham vấn cho Chính phủ Pháp, cho rằng tình hình sẽ không thể nhanh chóng biến chuyển, các biện pháp cách ly vẫn phải được áp dụng. Các nước có thể nghĩ tới giai đoạn hậu cách ly, nhưng yếu tố quan trọng và cơ bản hiện nay là tiếp tục cách ly nghiêm ngặt thêm vài tuần nữa.
Chuyên gia y tế cộng đồng và dịch bệnh truyền nhiễm Antoine Flahault thuộc Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cũng cho rằng, không phải cứ tới đỉnh dịch là các quốc gia có thể dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đã giúp hệ thống y tế tránh kịch bản quá tải, mà điều này chỉ nên được thực hiện khi các ca bệnh giảm. Nhà nghiên cứu Brechot hy vọng từ giữa tháng 5, tình hình sẽ cải thiện hơn, số ca mắc giảm sẽ là lúc các nước có thể nới lỏng dần các biện pháp hạn chế.
Cùng ngày, tại Nga, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong vòng 24 giờ qua tại nước này ghi nhận 2.774 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn nước Nga hiện là 21.102 người, 170 ca tử vong.
Tại châu Á, ngày 14-4, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo, nước này ghi nhận thêm 89 ca mắc Covid-19, gồm 86 ca từ nước ngoài và 3 ca nhiễm nội địa, đều ở tỉnh Quảng Đông. Như vậy, tổng số ca bệnh từ nước ngoài về Trung Quốc là 1.464 ca, trong đó 559 ca đã được xuất viện.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp có số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng thêm dưới 30 người, tỷ lệ bình phục đạt 70%. Tuy nhiên, nhà chức trách Hàn Quốc vẫn cảnh giác cao về số trường hợp nhiễm mới từ nước ngoài cũng như các trường hợp lây nhiễm theo cụm tại các nhà thờ và bệnh viện.
Tại châu Mỹ, Canada thông báo số ca tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng. Chỉ trong một ngày, số ca tử vong tại Canada đã tăng khoảng 9%, lên 734 người trong tổng số 24.804 ca nhiễm bệnh. Nhằm giảm tải cho tổng đài đường dây nóng 911, cảnh sát thành phố Montreal đã khởi động một công cụ trực tuyến mới, cho phép người dân nhanh chóng thông báo về các vi phạm quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch lây lan. Hiện mức phạt những người không tuân thủ hướng dẫn y tế lên tới 1.100 USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.