Theo dõi Báo Hànộimới trên

Washington giành lợi thế

Thùy Dương| 03/10/2018 06:22

(HNM) - Sau quá trình đàm phán căng thẳng kéo dài hơn 1 năm, Mỹ và Canada vừa chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Thỏa thuận đạt được ngay trước thời hạn chót đã chứng kiến sự nhượng bộ đáng kể từ các bên trong nhiều vấn đề gây trở ngại suốt 13 tháng đàm phán. Kết quả đã dẫn đến sự hồi sinh của NAFTA với “tấm áo” mới mang tên Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Tái đàm phán NAFTA bắt đầu từ tháng 8-2017 theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã lên án đây là một hiệp định “thảm họa” gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ. Mục tiêu chính của ông chủ Nhà Trắng trong đàm phán lại NAFTA là giúp giảm thâm hụt thương mại với hai nước láng giềng. Trong suốt quá trình đàm phán, Tổng thống D.Trump luôn đe dọa rời khỏi hiệp định nếu không đạt được những ưu tiên đề ra.

Ngành xe hơi của Canada tiếp tục phát triển khi USMCA giúp ô tô nước này được miễn thuế khi xuất sang Mỹ.


Có thể nói Mỹ đã vận dụng thành công lợi thế là một thị trường hàng đầu thế giới, qua đó đưa ra các chiến lược cũng như các “lá bài” nặng ký trên bàn đàm phán, dần dần ép Mexico và Canada phải nhượng bộ. Để Mỹ rút lại điều khoản “hoàng hôn” (tự động hết hạn sau 5 năm) đối với NAFTA, thay bằng kỳ hạn 16 năm và được rà soát theo chu kỳ 6 năm/lần, hạ tỷ lệ nội địa khu vực ô tô, đưa vào các chương mới như thương mại điện tử và chống tham nhũng…, Mexico đã phải chấp nhận loại bỏ chương 19 về giải quyết tranh chấp thương mại. Nước này cũng chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực xe hơi từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40-45% giá trị mỗi xe phải được sản xuất tại các khu vực có mức lương từ 15 USD/giờ trở lên. Với sự chấp thuận này của Mexico, chắc chắn thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia láng giềng Trung Mỹ sẽ giảm vì hiện tại trên 50% thâm hụt trong giao thương là do ngành xe hơi.

Trong khi đó, sức ép lớn sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận song phương về nội dung NAFTA nâng cấp buộc Canada phải thỏa hiệp. Thỏa thuận mới cho phép duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Ottawa coi là một biện pháp phòng vệ chống lại các chính sách bảo hộ, giúp bảo vệ nền kinh tế đất nước nếu Washington áp đặt các rào cản thương mại hoặc thuế quan. Tuy nhiên, đổi lại Canada phải đồng ý cho phép các nhà sản xuất và nông dân Mỹ tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa của nước này trị giá 16 tỷ USD/năm, một yêu cầu chủ chốt của Mỹ.

Cho dù cả 3 bên đều có những nhượng bộ để bảo đảm lợi ích quốc gia nhưng các nhà phân tích cho rằng, Mỹ mới là bên thực sự giành được nhiều lợi ích hơn với USMCA. Đây là một chiến thắng trong nghị trình định hình một kỷ nguyên tự do thương mại toàn cầu mới của Tổng thống D.Trump khi Mỹ đã buộc được hai nước láng giềng phải chấp nhận nhiều hạn chế thương mại hơn. Thỏa thuận này được cho sẽ giúp lấy lại uy tín, cũng như lòng tin của cử tri đối với Tổng thống D.Trump cũng như đảng Cộng hòa trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ đang cận kề.

Giống như một cái kết có hậu cho hơn 1 năm đàm phán đầy chông gai và có lúc tưởng chừng đổ vỡ, sự ra đời của USMCA không chỉ vực dậy lòng tin của thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, mà còn mang lại hy vọng về một tương lai rõ ràng hơn cho nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ. Dự kiến, USMCA sẽ được trình lên cơ quan lập pháp của các quốc gia để xem xét thông qua và ký trước ngày 29-11-2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Washington giành lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.