Đời sống

"Vướng" giá, nguy cơ không bảo đảm nguồn cung nước sinh hoạt

Dạ Khánh 29/06/2023 - 11:12

Giá tiêu thụ nước sinh hoạt tại Hà Nội được thực hiện từ năm 2013, trong khi cơ chế chính sách đã thay đổi, các yếu tố cấu thành đầu vào tăng lên. Việc giá nước chưa được điều chỉnh đã ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển hệ thống cấp nước, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm nguồn cung cấp nước sinh hoạt...

ha-noi-yeu-cau-dieu-tiet-cap-nuoc-bao-dam-cap-nuoc-an-toan-cho-khu-vuc-an-nuoc-sach-song-da.jpg
Một số khu dân cư thiếu nước do thiếu nguồn cấp.

Không bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày - đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cao điểm nắng nóng mùa hè, nhu cầu sử dụng nước gia tăng (tăng 5 - 10%), trong khi khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng tại các khu vực, đặc biệt là khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức đang sử dụng nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, nhất là khu vực cuối nguồn, cốt địa hình cao.

Thực tế, tháng 5, tháng 6-2023, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra tại khu vực Tây Nam thành phố. Theo Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Lý Văn Quy, thời gian qua, trên địa bàn xã đã nhiều lần bị cắt nước sinh hoạt. Tình trạng này đặc biệt gay gắt vào tháng 5-2023 và giảm dần trong tháng 6-2023, nhưng lượng nước bơm về không đủ cung cấp cho người dân. Nguyên nhân cắt nước khu vực Hoài Đức là do nguồn nước sông Đà không đủ cung cấp cho Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để phân phối cho người dân. Thống kê của Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho thấy, trong đợt cắt nước vừa qua, có khoảng 7.000 khách hàng bị ảnh hưởng...

Như vậy có thể thấy, mặc dù hệ thống cấp nước Thủ đô hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân, song trong những tháng cao điểm nắng nóng mùa hè, công tác cấp nước đã bị ảnh hưởng, không bảo đảm cấp nước liên tục, ổn định.

Một trong những nguyên nhân chính là do việc triển khai các dự án phát triển nguồn chậm tiến độ, trong đó có dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng (công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày-đêm; giai đoạn 2 là 300.000m3/ngày-đêm), dự kiến đưa vào sử dụng từ quý I-2021, song đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà (giai đoạn 2), nâng công suất lên 300.000m3/ngày-đêm cũng được Sở Xây dựng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, tập trung thi công...

Theo Sở Tài chính Hà Nội, giá nước không điều chỉnh đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới cũng như các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành. Cụ thể, với các nhà máy nước trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư, các nhà đầu tư gặp khó khăn khi huy động vốn để đầu tư. Với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, lãi vay còn cao nên giá nước thấp đã khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí vận hành, cũng như khó khăn khi đàm phán vay vốn để mở rộng, nâng công suất.

Bên cạnh đó, việc giá nước thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay của nhà đầu tư, do đó, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án tuyến ống cấp nước theo quy hoạch. Điều này gây thiếu nước cục bộ ở một số khu vực tại một số thời điểm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, với việc gia tăng dân số cơ học, tốc độ đô thị hóa..., từ năm 2025, nếu các dự án cấp nguồn tiến độ đầu tư không bảo đảm theo kế hoạch, thành phố có thể không bảo đảm nguồn cung về nước sạch sinh hoạt.

ha-noi-ban-hanh-quy-che-phoi-hop-giam-sat-chat-luong-nuoc-sach.jpg
Giá nước chưa được điều chỉnh khiến các đơn vị không đủ nguồn lực tái đầu tư, nâng cao chất lượng nước sạch.

Và những cái “Không” khác

Không chỉ không bảo đảm cấp nước ổn định, liên tục, giá nước chậm điều chỉnh còn không thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực cấp nước của thành phố. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi thu hút được 23 nhà đầu tư tư nhân, triển khai 39 dự án cấp nước gồm cả dự án nguồn nước và mạng lưới. Trong đó có doanh nghiệp không thực hiện dự án, phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng, thực tế, các doanh nghiệp mới triển khai dự án trong giai đoạn này đang chịu nhiều áp lực chi phí vốn. Với giá nước hiện hành chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận. Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có nguồn lực tài chính để vận hành nhà máy, dẫn đến không bảo đảm an ninh cấp nước cho thành phố.

Bên cạnh đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc chậm điều chỉnh giá nước sạch cũng dẫn tới hệ quả không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch. Cụ thể, theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14-12-2018 của Bộ Y tế và Thông tư số 26/2021/TT-BYT ngày 15-12-2021 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT), thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn nhiều so với QCVN 02:2009 để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, để xử lý nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT thì cần phải đầu tư công nghệ xử lý nước mới và cải tạo hệ thống cấp nước cũ. Do vậy, với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp, việc không điều chỉnh giá nước sạch còn không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm. Thực tế, nước là nguồn tài nguyên tái tạo. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước sạch đang ngày càng giảm đi trong khi nhu cầu sử dụng của con người ngày càng tăng cùng với tốc độ tăng của dân số. Việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề quan trọng và bức xúc không chỉ với Việt Nam, mà có tính chất toàn cầu. Do vậy, việc Hà Nội thực hiện điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của Nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.

“Với giá nước hiện tại của Hà Nội, tôi cho rằng còn thấp và đã không thực hiện theo đúng quy định về điều chỉnh giá nước. Trong số các tỉnh, thành, Hà Nội là địa phương để thời gian điều chỉnh quá lâu, 10 năm chưa điều chỉnh giá nước và giá nước đang là thấp nhất so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong khi thu nhập đầu người, mức sống của người dân đô thị của Hà Nội rất cao...”, ông Nguyễn Ngọc Điệp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vướng" giá, nguy cơ không bảo đảm nguồn cung nước sinh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.