Tối 11-4, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 với chủ đề “Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới” đã khai mạc.
Sự kiện do Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức, tại Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tới dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 nằm trong chuỗi các sự kiện xúc tiến du lịch năm 2025 của thành phố chào mừng các ngày lễ lớn của quốc gia, dân tộc; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2025.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2024, du lịch tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế có sức lan tỏa lớn của Thủ đô với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,88 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó 6,37 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,8%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,66 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2023, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
“Tiếp nối thành công của những mùa Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội những năm trước, chương trình năm nay với chủ đề “Du lịch Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới” tôn vinh những giá trị di sản văn hóa của Thủ đô, thông qua quà tặng du lịch để kể câu chuyện về các giá trị di sản, thôi thúc du khách trải nghiệm và lưu giữ kỷ niệm, từ đó lan tỏa tình yêu Hà Nội tới bạn bè trong nước và quốc tế”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2025 có quy mô lớn, được dàn dựng công phu. Lễ hội thu hút sự tham gia của 80 gian hàng đến từ các khu, điểm du lịch, làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, các địa phương trong cả nước cùng sự hưởng ứng tích cực của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, hàng không và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quà tặng trên địa bàn Hà Nội…
Tham gia chương trình, du khách được trải nghiệm nhiều không gian hấp dẫn, thiết kế theo chủ đề khác nhau, như: Không gian trải nghiệm các điểm đến di sản, điểm đến du lịch (bao gồm khu phố cổ, phố cũ Hà Nội; khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám…).
Bên cạnh đó, không gian trải nghiệm các làng nghề truyền thống sẽ là nơi tôn vinh 2 làng nghề được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới là gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Ngoài ra, lễ hội còn có không gian giới thiệu sản phẩm quà tặng du lịch; không gian quảng bá tour tuyến, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc sắc, quà tặng voucher tour du lịch, chương trình khuyến mại, kích cầu của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch và các hãng vận chuyển hàng không…
Đến với lễ hội, du khách còn được trải nghiệm không gian giới thiệu ẩm thực đặc trưng của Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước; không gian tiểu cảnh chụp hình theo chủ đề “Hà Nội - Điểm đến di sản thế giới”; không gian trưng bày triển lãm ảnh đẹp Hà Nội; không gian chuyển đổi số du lịch Hà Nội, giới thiệu công nghệ thực tế ảo trong du lịch (VRT).
Trong thời gian diễn ra lễ hội, khách tham quan sẽ được thưởng thức nhiều màn trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, như: Hát ca trù, hát và múa Ải Lao (quận Long Biên), hát Dô (huyện Quốc Oai), múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), trò chơi kéo co (quận Long Biên)...; các workshop về trải nghiệm làng nghề, chế tác sản phẩm tại một số gian hàng đặc biệt, sáng tạo kết hợp với hoạt động từ thiện; hoạt động giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của một số địa phương khác trên cả nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.