Góc nhìn

Gần dân để phục vụ dân tốt hơn

Quỳnh Anh 12/04/2025 - 06:07

Với tư duy đổi mới, tinh thần cách mạng triệt để, vì sự phát triển của đất nước và vì nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là quyết sách to lớn, mang tầm chiến lược hết sức quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, quyết định cho sự phát triển đột phá của dân tộc. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ và mong muốn sớm được triển khai thực hiện.

Để thực hiện thắng lợi quyết sách trên, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo quan trọng đối với các bộ, ngành, đơn vị, địa phương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính hiệu quả và gần dân, phục vụ dân tốt hơn sau khi sắp xếp, sáp nhập hình thành các cơ quan, đơn vị, địa phương mới. Mới đây nhất (ngày 10-4), phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ mười một, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, mà còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực, tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.

Gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc tình hình để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng ta. Bộ máy chính quyền càng tinh gọn, càng gần gũi với dân thì càng nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, tư tưởng, nguyện vọng của dân, từ đó có biện pháp quản lý hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn. Thực tiễn đã chứng minh, ở địa phương nào, chính quyền gần dân, thì nơi đó công việc diễn ra trôi chảy, đạt hiệu quả cao. Ngược lại, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên xa dân, thiếu sâu sát, không nắm chắc tình hình cơ sở; tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân không được xem xét giải quyết thỏa đáng thì thường dẫn đến đơn thư khiếu nại kéo dài, gây ra những bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin trong nhân dân.

Phải khẳng định rằng, gần dân là quy luật tồn tại, phát triển, là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Người cũng khẳng định, cách xa dân chúng cũng như lửng lơ giữa trời, nhất định thất bại. Thấm nhuần lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta luôn chú trọng lãnh đạo xây dựng tác phong, lề lối làm việc gần dân, trọng dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, chúng ta đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta một lòng đi theo Đảng, đoàn kết dốc sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung, nhờ đó “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, dự kiến nước ta còn 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã; mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, gắn với phân cấp, phân quyền. Bước đi đặc biệt quan trọng này không chỉ tạo không gian phát triển, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, mà còn nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương để chính quyền ngày càng đến gần dân hơn, phục vụ người dân nhanh hơn, tốt hơn.

Do đó, các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong nhận thức và hành động, gần dân, tuyên truyền, giải thích rõ những mục tiêu, lợi ích cốt lõi của việc sắp xếp, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, từ đó tạo sự đồng thuận và thống nhất trong nhận thức chung... Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, các cấp chính quyền cần tiếp tục gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, quyền lợi của nhân dân lên trên hết.

Sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và đưa chính quyền đến gần dân hơn. Những ngày này, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn đang được tiến hành mạnh mẽ ở các địa phương trên cả nước. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng ta có có thể tin tưởng, bộ máy hệ thống chính trị sẽ được tinh gọn và tiếp tục gần dân để phục vụ nhân dân tốt hơn, góp phần quan trọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần dân để phục vụ dân tốt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.