(HNM) - Quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đang phát triển hết sức tích cực, toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, hợp tác doanh nghiệp và giao lưu nhân dân...
Dẫn chứng rõ nét nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11-1990) đến nay là việc Việt Nam và EU đã ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), một khuôn khổ cấp cao về quan hệ đối ngoại toàn diện, bình đẳng, tin cậy giữa hai bên. Cùng với đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha; quan hệ Đối tác toàn diện, hữu nghị với nhiều nước Châu Âu khác.
Riêng lĩnh vực kinh tế, các đối tác Châu Âu đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn, với tổng vốn gần 25 tỷ USD; đồng thời là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Châu Âu trong giai đoạn 2006-2017 đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD vào năm 2017. Không chỉ có vậy, Châu Âu còn là đối tác của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực mang tính toàn cầu, như thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Với đà phát triển tích cực đó, Việt Nam và Châu Âu tiếp tục đứng trước những cơ hội mới. Đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã hoàn tất rà soát pháp lý, đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ký chính thức và phê chuẩn. Đó là nền kinh tế hai bên mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Châu Âu, một trong những động lực phát triển kinh tế thế giới đang trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; với các thế mạnh về vốn, công nghệ tiên tiến, quản trị, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ... những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu cao để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Ngược lại, Việt Nam, với sự ổn định về chính trị xã hội; tăng trưởng nhanh, liên tục về kinh tế và sức tiêu thụ của thị trường nội địa... luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Môi trường đầu tư này mang diện mạo mới mạnh mẽ, năng động hơn khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Con số 90% doanh nghiệp Châu Âu mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu vừa công bố tháng 3-2018 là minh chứng cho điều này.
Với nhiều dư địa để phát triển, Hội nghị Gặp gỡ Châu Âu 2018 được kỳ vọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Châu Âu; là cầu nối để cộng đồng doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, từ đó tạo xung lực mới để hai bên khai thác tối đa tiềm năng thị trường của nhau. Để làm được điều đó không chỉ có nỗ lực của doanh nghiệp Châu Âu mà còn là nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là địa phương, đối tác, doanh nghiệp Việt Nam. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị: Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác Châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác của Việt Nam.
Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm cao để vượt qua, đồng thời Châu Âu sẽ cùng chung nỗ lực với Việt Nam, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai bên. Việt Nam - Châu Âu đã trải qua chặng đường dài tự hào về nhiều kết quả hợp tác thành công và giờ đứng trước vận hội lớn để nâng tầm quan hệ đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.