(HNM) - Thời gian gần đây, cộng đồng người khiếm thính được thưởng thức một bộ phim dành riêng cho mình với ngôn ngữ thể hiện bằng hình ảnh và ký hiệu. Từ ý tưởng của cô gái sinh năm 1988, những ê kíp thiện nguyện đã hoàn thành xong 4 tập phim đầu tiên về lịch sử, văn hóa Thủ đô. Lê Thị Thanh Hoa nhận giải thưởng "Doanh nhân xã hội 2011" với dự án "Trung tâm đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu", đã trò chuyện về ý tưởng đặc biệt của mình.
- Ý tưởng làm phim cho người khiếm thính có vẻ rất lạ và táo bạo?
- Vâng, nhìn chung là như vậy, nhưng với những người làm việc nhiều với người khiếm thính thì chừng đó vẫn chưa đủ. Năm 2009, tôi bắt đầu dạy ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính và thấy rằng các em có thể đọc và viết được nhưng thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa. Nhiều khi các em đi làm rồi mà vẫn không biết rằng nơi mình đang sống có những gì, lịch sử như thế nào, tại sao mình lại làm công việc này. Tôi cũng thường xuyên gặp phải những câu hỏi như vậy từ những người bình thường. Và tôi quyết định làm phim này, không chỉ dành cho người khiếm thính.
Nhóm làm phim cho người khiếm thính trong một buổi ghi hình tại Bát Tràng. Ảnh: Nam Khánh |
- Công việc của các bạn như thế nào?
- Tôi may mắn tìm được ê kíp toàn người tâm huyết. Có một biên kịch, một đạo diễn, một quay phim và một MC. Hầu hết các bạn ấy đều là người chuyên nghiệp cả đấy. Chúng tôi đã hoàn thành được 4 tập phim về Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bát Tràng và "Đêm Hà Nội".
- Chắc các bạn đã phải tìm hiểu nhiều về lịch sử văn hóa và có cách đặc biệt để truyền tải thành ngôn ngữ ký hiệu?
- Vâng, cũng có cái khó riêng. Làm phim lịch sử thì phải tìm hiểu kỹ và tôn trọng lịch sử. Biên kịch là người đưa ra nội dung, tóm tắt, biên tập sao cho không quá kềnh càng mà trẻ em có thể hiểu được. Sau đó, cả ê kíp phải xem và tìm hiểu thêm để góp ý. Bình thường làm một tập phim tối thiểu phải mất 2 tuần, tối đa là 2 tháng mới xong. Sau khi quay xong thì về lồng tiếng, thực hiện ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, lại phải dịch và thuyết minh bằng tiếng Việt cho người xem bình thường.
Ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ tiếng Việt khác hẳn nhau. Ví dụ, bình thường mình có thể hiểu nghĩa bóng nhưng ngôn ngữ ký hiệu thì không. Cái khó là khi giới thiệu về danh lam thắng cảnh hay lịch sử di tích, cần có một chút "bay bổng" nhưng chúng tôi không đủ ngôn ngữ ký hiệu để diễn đạt. Nhiều khi chúng tôi phải học, tìm đến "nát sách" mới ra được một từ cần thiết để có thể diễn đạt đơn giản cho người khiếm thính.
- Ê kíp làm phim có kỷ niệm gì đáng nhớ không?
- Có chứ, như khi làm tập phim "Đêm Hà Nội". Nếu không có đề tài này, chắc chẳng bao giờ tôi thức trọn đêm với Hà Nội. Cả nhóm đi đúng đêm Noel, từ 8h tối hôm trước đến 9h sáng hôm sau. Cái cảm giác đứng giữa đường vắng hoe, thấy Hà Nội sao khác lạ đến thế!
- Bạn còn có ý tưởng gì khác nữa không?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục làm phim. Còn về ý tưởng mới thì chúng tôi muốn làm phim hoạt hình với ngôn ngữ ký hiệu, nói đúng hơn là thuyết minh những bộ phim hoạt hình đã có cho người khiếm thính hiểu. Nhưng việc này còn phải chờ xin phép. Nói thật là tôi cũng có nhiều ý tưởng táo bạo khác nữa, nói ra bây giờ thì quá sớm.
- Điều gì khiến bạn gắn bó với việc phục vụ người khiếm thính đến vậy?
- Tôi nghĩ mình đang làm việc có ích, một việc thiện. Bất cứ ai tham gia với tôi cũng nghĩ như thế, rất nhẹ nhàng. Bản thân tôi còn có cảm giác là mình làm những việc này thì được nhận nhiều hơn là cho đi. Ví dụ như là được làm công việc mình thích, có thêm bạn bè, đặc biệt là được tôn trọng và ghi nhận. Cũng có chút tự hào, rằng mình còn trẻ mà đã làm được việc có ích cho cộng đồng người khuyết tật.
Cám ơn bạn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.