(HNMO) - Tính đến sáng 17-3, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn được khống chế tốt. Nhiều ngày qua, thành phố không có ca lây nhiễm từ nguồn bệnh nội địa. Ý thức phòng tránh dịch trong cộng đồng dân cư tiếp tục được nâng cao.
Tăng cường các cơ sở cách ly, điều trị bệnh
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến sáng 17-3, cả 5 ca nhiễm Covid-19 đều từ nguồn lây ngoài thành phố. 146/149 trường hợp đã cho kết quả âm tính; 3 trường hợp còn lại sẽ có kết quả xét nghiệm vào cuối ngày hôm nay.
Đáng chú ý là diện phong tỏa, cách ly tại chung cư Hòa Bình, số 90A đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 (nơi cư trú của BN38) đã được thu hẹp liên tục, từ 2 tòa nhà, đến 1 tòa nhà, đến 4 tầng lầu. Tính đến sáng 17-3, chỉ còn 3 tầng lầu (từ 1 đến 3) tạm thời bị cách ly để phòng, chống dịch.
Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, bệnh viện chuyên trách điều trị người nhiễm Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động. Sở Y tế thành phố đã chuyển đổi tạm thời công năng của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ (trước đây là Bệnh viện huyện Cần Giờ) trở thành bệnh viện chuyên trách.
Với quy mô 300 giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, bệnh viện chuyên trách này sẽ do các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, chuyên khoa Hồi sức, chuyên khoa nội của các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận 2 và Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ đảm trách.
Sở Y tế đang triển khai lắp đặt 10 phòng cách ly có áp lực âm tại khu cách ly người bệnh của bệnh viện này. Ngoài ra, Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong sẽ ưu tiên hỗ trợ phà đưa đón xe chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Cần Giờ từ các khu cách ly, các bệnh viện khi có nhu cầu chuyển bệnh nhân.
Số liệu tổng hợp từ UBND thành phố Hồ chí Minh cho biết, đến cuối tháng 3, thành phố có thể cách ly tập trung 3.000 người, tháng 4 là 4.000 người với đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết; khoảng 1.400 bác sĩ đã được huấn luyện có thể tham gia công tác này; 1.600 giường bệnh sẵn sàng cho người bị nhiễm nếu dịch bệnh gia tăng; máy thở hiện có khoảng 1.000 máy. Thành phố sẽ trang bị thêm 1.200 máy để đáp ứng nhu cầu.
Nâng cao ý thức phòng tránh dịch trong cộng đồng
Đáp chuyến bay sớm 17-3 từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, chị Lương Thu Hà, ngụ tại đường Võ Văn Tần, quận 3 cho biết, 100% hành khách đi máy bay đã đeo khẩu trang tại nhà ga và cả khi lên máy bay. Các tiếp viên cũng đeo khẩu trang và đeo găng tay y tế khi phục vụ với thái độ hòa nhã, thân thiện và nhận được sự hợp tác của hành khách.
“Đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thấy các bảng nhắc nhở khách đeo khẩu trang ở khắp nơi; thấy nhân viên y tế tận tình hướng dẫn người có thân nhiệt cao tách riêng chờ kiểm tra; thấy tài xế taxi nhắc khách rửa tay sát khuẩn khi lên xe…Tất cả tạo cho tôi sự an tâm giữa lúc dịch Covid-19 như thế này”, chị Lương Thu Hà chia sẻ.
Tại Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh, nơi các phóng viên báo chí thường xuyên lui tới nhận tin tức, việc đo thân nhiệt và nhắc nhở đeo khẩu trang được các nhân viên bảo vệ nhắc nhở khách từ dưới sảnh. Trong các phòng họp, các ghế ngồi kê cách xa nhau hơn 1m…
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo chỉ đạo của Thành ủy, các sở, ban, ngành, cơ quan của thành phố triển khai đầy đủ phương châm "5 tại chỗ" trong phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, gồm nhiệm vụ tại chỗ; chỉ huy tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, nhân lực tại chỗ và kinh phí tại chỗ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Dịch bệnh có thể kéo dài một vài tháng, hoặc cả năm, không thể tính bằng tuần. Vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức phải suy nghĩ, điều chỉnh nếp sống, cách làm việc,… có giải pháp điều chỉnh tổng thể để có thể thích ứng phù hợp, vừa phòng chống dịch bệnh nhưng vừa phải duy trì các hoạt động của xã hội…”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.