Một yêu cầu, đòi hỏi đi cùng với thời hạn phải đáp ứng được định nghĩa là một tối hậu thư.
Theo định nghĩa này thì Mỹ vừa đưa ra tối hậu thư cho Israel khi Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viết thư gửi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu nước này trong thời hạn 30 ngày tới phải cải thiện đáng kể việc cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. Cũng trong bức thư ấy, hai vị bộ trưởng kia ghi là nếu phía Israel không đáp ứng yêu cầu này của Mỹ thì phía Mỹ buộc phải xem xét lại Israel có đáp ứng đầy đủ những điều kiện để được Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự nữa hay không. Hàm ý cảnh báo, răn đe và dọa phía Israel ở đây rất rõ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel trong những tháng ngày gần đây không được suôn sẻ và tốt đẹp. Ông B.Netanyahu đã nhiều lần bất chấp những yêu cầu và quan ngại của phía Mỹ. Lời dọa mới nói trên của Mỹ làm gia tăng thêm mức độ xấu đi và trắc trở trong mối quan hệ song phương này. Quan hệ của Israel với một số nước khác thuộc diện đồng minh lâu nay như với Pháp, Đức hay Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy, sau khi Israel gây khó khăn việc cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, đồng thời không kích cả thủ đô Beirut của Lebanon và tấn công vào căn cứ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Lebanon.
Thật ra, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa giúp lại vừa dọa Israel đều có phần liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra ở nước Mỹ, cụ thể là vào ngày 5-11 tới. Đa số cử tri ở Mỹ ủng hộ Chính phủ Mỹ chống lưng cho Israel. Trong tư cách là ứng cử viên tổng thống của phe đảng Dân chủ Mỹ, Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris không thể xem nhẹ điều này. Tức là bà Harris phải tỏ ra đứng về phía Israel. Nhưng bà K.Harris đồng thời có nhu cầu tranh thủ lá phiếu bầu của bộ phận cử tri là người theo đạo Hồi và ủng hộ Palestine, đặc biệt ở một số bang chiến trường. Vì thế mới có chuyện, chính quyền của ông J.Biden vừa tiếp tục trợ giúp Israel lại vừa gò ép Israel phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza và ở Lebanon.
Ngay trước khi bức thư nói trên được gửi tới ông B.Netanyahu, ông J.Biden quyết định cung cấp cho Israel những hệ thống phòng không hiện đại và cử hẳn 100 binh lính Mỹ sang Israel huấn luyện sử dụng những khí tài quân sự này. Hơn nữa, thời hạn phía Mỹ đưa ra trong cái gọi là "tối hậu thư" nói trên là 30 ngày, tức là mãi sau ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ mới hết hạn. Có thể thấy được qua đó chủ ý của ông J.Biden và cộng sự là không để cho diễn biến thời sự trong mối quan hệ giữa Mỹ và Israel ảnh hưởng xấu tới triển vọng đắc cử tổng thống của bà K.Harris.
Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Mỹ cũng đã dọa Israel tương tự và Israel phải nhượng bộ. Nhưng lần này, ông B.Netanyahu chắc sẽ không chịu nghe theo ngay mà chờ đến sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu bà K.Harris đắc cử tổng thống Mỹ, ông B.Netanyahu sẽ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của chính quyền của ông J.Biden như đã từng chịu lụy trước đó bởi bà K.Harris chắc chắn sẽ kế thừa và tiếp nối quan điểm chính sách hiện tại của ông J.Biden về Israel, về cuộc chiến tranh ở Dải Gaza và Lebanon. Nhưng nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại cầm quyền thì ông B.Netanyahu chắc chắn sẽ phớt lờ và bất chấp tối hậu thư không chính thức nói trên của phía Mỹ. Cho nên, chính cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ làm cho triển vọng diễn biến chiến tranh ở khu vực Trung Đông giờ phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của chính cuộc bầu cử ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.