(HNMO) - Sáng 13-1-2023, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Ứng Hòa về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022”. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Một số bất cập về lựa chọn và giá sách giáo khoa
Báo cáo việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của huyện Ứng Hòa cho biết, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông một cách linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường. Toàn huyện hiện có 79/90 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 87,8%); 88,39% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019.
Tuy nhiên, huyện Ứng Hòa nhận định, các cơ sở giáo dục vừa phải thực hiện việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, vừa phải lựa chọn bộ sách giáo khoa mới phù hợp cho cơ sở là việc làm khó.
Bên cạnh giá thành sách giáo khoa vẫn còn cao hơn so với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và mức sống của người dân, huyện Ứng Hòa cũng cho rằng tính liên thông về chất lượng sách sẽ không được ổn định khi hằng năm có nhiều bộ sách để lựa chọn thực hiện. Đồng thời, huyện vẫn còn thiếu 214 biên chế giáo viên.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những khó khăn, bất cập, huyện Ứng Hòa cho rằng cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng sách giáo khoa, đồng thời đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông. Huyện cũng kiến nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ về bù giá sách giáo khoa cho học sinh; kiến nghị Chính phủ có chính sách cải thiện tiền lương của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân…
Tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị huyện Ứng Hòa cần làm rõ việc lựa chọn chương trình học có đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh hay không? Đại biểu cho rằng, không chỉ lựa chọn môn học, mà cách học cũng thay đổi, vậy việc tổ chức dạy học có đạt được sự đổi mới theo chương trình học hay chưa?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đề nghị huyện làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong việc một chương trình giáo dục nhưng lại có nhiều bộ sách giáo khoa, bên cạnh đánh giá kỹ hơn về nội dung sách giáo khoa và việc ban hành tài liệu giáo dục địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh nhận định, thiếu giáo viên là thực tế đang diễn ra nhưng vấn đề thừa giáo viên vẫn chưa được đề cập và đề ra hướng giải quyết. Đại biểu cho rằng mặc dù đã được bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, có nhiều giáo viên không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình giáo dục phổ thông là gốc rễ
Thông tin tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, với cơ chế tự chủ theo đơn giá, định mức và cơ chế đặt hàng đang được ngành Giáo dục Thủ đô xây dựng, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được hạn chế.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thành phố phân cấp về cho địa phương nhưng hiện đang gặp khó khăn về việc thẩm định định mức, đơn giá.
Đối với tài liệu giáo dục địa phương của lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã được xây dựng xong, nhưng in ấn và phát hành tài liệu rất khó khăn, Giám đốc Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện có 3 hình thức in ấn, phát hành, gồm: Toàn bộ kinh phí do ngân sách thành phố chi trả; thành phố chi trả kinh phí làm giáo trình, còn in ấn, phát hành thì thực hiện theo hình thức xã hội hóa và thực hiện in ấn, phát hành theo hình thức xã hội hóa 100%.
Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần nhìn nhận mục tiêu căn bản của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì phải làm được ngay, nhưng mục tiêu trọn vẹn thì phải thực hiện từng bước.
“Đổi mới là quá trình, có những vấn đề đặt làm mục tiêu phấn đấu chứ không phải ngay lập tức tất cả phải đầy đủ, trọn vẹn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là chương trình chi tiết, làm căn cứ chuẩn để dạy học, khác về “chất” so với chương trình 2006 chỉ quy định về khung có tính định hướng.
“Bản chất chương trình giáo dục phổ thông là gốc, sách giáo khoa là học liệu, là công cụ triển khai chương trình bằng một số phương thức ít nhiều có sáng tạo khác nhau”, đồng chí Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh và cho rằng, các loại sách giáo khoa không hoàn toàn khác biệt nhau, mà chỉ khác về phương pháp để đi đến mục tiêu giáo dục.
Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị huyện Ứng Hòa hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, đặc biệt lưu ý công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong thực hiện hai Nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Bên cạnh đó, huyện khẩn trương phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của hai Nghị quyết, trong đó chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên giảng dạy môn học tích hợp nói riêng; đồng thời làm tốt công tác truyền thông xã hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
* Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã thăm, tặng quà một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Ứng Hòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.