Nhiều dân mạng cho rằng, do kiến thức sơ cứu của người dân quá kém nên dẫn đến tình trạng bỏ mặc, thờ ơ trước những người bị nạn.
Sau khi chứng kiến vụ tai nạn xe Camry khiến 3 người tử vong sáng 29/2 tại phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, cô giáo Dương Thị Kim Liên, giáo viên trường tiểu học Ngọc Lâm - nơi bé Trần Gia Hân (một trong 3 nạn nhân tử vong) theo học - đã đăng tải dòng chia sẻ nói về sự vô cảm của những người tham gia giao thông.
Bất lực vì tài xế từ chối cứu người
Theo nữ giáo viên, sau khi phát hiện Hân vẫn còn sống, cô và người dân xung quanh nhanh chóng bế bé đi cấp cứu nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, trốn tránh từ tài xế lưu thông qua đoạn đường xảy ra tai nạn.
Trao đổi với phóng viên, bà Dung (trú tại số nhà 28, phố Ái Mộ, gần nơi xảy ra tai nạn) cho biết, chuyện thờ ơ với người bị nạn này là có thật.
"Tôi không chứng kiến sự việc từ đầu. Song khi vụ tai nạn xảy ra, tôi thấy một xe taxi và một ôtô con dừng lại xem rồi chạy thẳng, mặc cho nhiều người gọi mang bé Gia Hân đi cấp cứu" - bà nói.
Nhiều người chỉ đứng lại xem tai nạn giao thông vì hiếu kỳ. |
"Lòng nhân ái giữa con người với con người ngày nay bị mai một khá nhiều. Có một số bạn bày tỏ thái độ bất bình... nhưng tôi dám chắc rằng, không ít bạn có đủ can đảm, dám đưa tay chạm vào cơ thể người gặp nạn, với vô số thương tích" - nickname Van Pham Le chia sẻ quan điểm.
Không chỉ đề cập đến sự vô cảm của người đi đường, nhiều dân mạng còn sửng sốt trước cách hành xử của người gây ra tai nạn.
Nhà báo Minh Trí chua xót: "Nhiều chiếc xe hơi đi chậm chậm ngó nghiêng, nhưng không một ai mở cửa trong chới với những bàn tay van xin đưa con vào bệnh viện, con co giật đầm đìa trong máu cô đơn… Đáng nói hơn là người gây ra tai nạn, việc đầu tiên họ làm là hất tung chiếc điện thoại trên tay một nhân chứng, bình thản móc iPhone bấm rồi biến mất, bỏ mặc sau lưng ba thân thể tan nát vẫn còn nóng ấm".
Đưa người bị nạn đi cấp cứu hay chờ xe cứu thương?
Bên cạnh ý kiến lên án những ánh mắt thờ ơ của người đi đường, nhiều thành viên cho rằng, việc tự ý đưa nạn nhân đi cấp cứu khá nguy hiểm.
Nhà báo Minh Trí nêu giải pháp: “Việc làm đầu tiên để cứu giúp người bị nạn giao thông nghiêm trọng không phải là bế họ đi cấp cứu ngay lập tức, mà phải để họ nằm im, rồi kiểm tra mạch, nếu bị chảy máu quá nhiều thì phải thắt garo mạch”.
Người đàn ông sau khi gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường, bỏ mặc người bị nạn. |
Thành viên Nhật Minh nhận xét, việc đào tạo các kỹ năng sơ cấp cứu tại Việt Nam là quá kém. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dè chừng trong việc cứu giúp người bị nạn.
“Thật sự nếu là mình chứng kiến tận mắt thì cũng không biết có nên động vào người nạn nhân hay không và quan trọng là động vào như thế nào thì mới giúp được người đó. Vì nếu di chuyển nạn nhân sai cách hoặc chưa sơ cứu cẩn thận (tắc đường hô hấp mà chưa thông ra, gây tràn máu hay dịch vào phổi...) có khi khiến nạn nhân chết sớm hơn”, anh nói.
"Mọi người đừng nghĩ việc đưa nạn nhân đi cấp cứu là việc đơn giản. Có lần bạn mình bị đụng xe được người dân đưa lên xe máy chở đi nhưng không cố định đúng cách làm cho vết thương ngày một nặng hơn", Minh Anh cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến tài xế không đưa người bị nạn đi cấp cứu là sợ liên lụy, vạ lây, thậm chí là bị nạn đã người nhà nạn nhân hiểu lầm dẫn đến gây gổ, đánh nhau.
Không phải ai cũng có đủ can đảm để cứu người
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia, tiến sĩ tâm lý - Nguyễn Thị Thu Hương - cho biết, bà khá lo ngại trước sự vô cảm của một bộ phận người Việt. Tuy nhiên, khi đứng trước những trường hợp cụ thể, mỗi người sẽ có những cách giải quyết riêng của mình.
Bà cho rằng, việc các tài xế không chở người đi cấp cứu là do họ lo ngại, người bị nạn sẽ chết trên xe, sau này sẽ không làm ăn được, chứ không hoàn toàn là họ không muốn giúp. Tiến sĩ nhận định, đây là vấn đề tâm linh và quan điểm sống của mỗi người.
Ngoài ra, theo tiến sĩ, kỹ năng sơ cứu của người Việt còn rất kém là nguyên nhân chính khiến họ lúng túng, lảng tránh khi gặp tai nạn.
Blogger Nguyễn Ngọc Long nhận định, câu chuyện mà cô giáo viết trên Facebook đang chỉ ra bất cập về giáo dục pháp luật trong nhà trường và cả ngoài xã hội.
"Không phải ai cũng có can đảm cứu người bị nạn giữa đường. Ngoài tuyên truyền về mặt pháp luật, thì cần có những quy tắc riêng đặc thù nào đó cho những người tham gia cứu nạn, giúp đỡ các trường hợp khẩn nguy" - anh nói.
7h30 sáng ngày 29/2, người dân tại phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) bàng hoàng khi chứng kiến vụ tai nạn thương tâm khiến 3 người tử vong, trong đó có một bé gái 6 tuổi. Vào thời điểm nói trên, anh Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi) lái chiếc Camry chạy với tốc độ cao. Xế hộp lấn làn, đâm trực diện vào ông Trần Việt Tiến (64 tuổi, trú ổ 7, phường Bồ Đề) khi đang chở cháu Trần Gia Hân đi học. Tiếp đó, chiếc xe đâm vào bà Nguyễn Thị Trúc đang đi bộ, khiến các nạn nhân tử vong. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.