Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ rượu độc nói lên điều gì?

Vũ Duy Thông| 11/12/2013 06:25

(HNM) - Sau các bữa nhậu, 15 người ở Quảng Ninh bị ngộ độc rượu phải vào bệnh viện và sau đó 6 người tử vong. Sau khi kiểm tra, các ngành chức năng nhanh chóng phát hiện những người này cùng uống thứ rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12-10-2013.


Cũng rất nhanh chóng, các cơ quan chức năng tìm ra nơi sản xuất rượu độc, đó là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, có địa chỉ ở thị trấn Sài Đồng, Hà Nội. Tiếp theo, hàng loạt sự việc nhanh chóng khác: Kiểm tra, buộc đóng cửa cơ sở sản xuất, tiến hành khởi tố, điều tra nguyên nhân và trách nhiệm những người có liên quan ở Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương; thông báo khẩn cấp tới các cơ quan thông tin đại chúng về việc ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong ngay các loại rượu này để điều tra, tiêu hủy… Nhanh chóng vì sự việc rất nghiêm trọng, cần được ngăn chặn ngay. Nhanh chóng, phần nữa cũng vì sự việc, nhân chứng, vật chứng phơi bày ngay đó.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù phơi bày ngay bên đường lớn, chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số như thế nhưng nếu không có chuyện hết sức nghiêm trọng, một lúc chết 6 mạng người này thì cái cơ sở chuyên thu gom rượu trôi nổi mang đóng chai, dán mác "Nếp 29 Hà Nội" đó vẫn bình chân như vại, ung dung "sản xuất" thứ rượu nồng độ methanol gấp 2.000 lần mức cho phép, có thể giết người sau khi uống. Bằng chứng là sau 5 lần đoàn kiểm tra về làm việc, dù đã phát hiện ra cơ sở này có rất nhiều vấn đề bất thường nhưng vẫn không xử lý triệt để… Và như vậy, người ta có quyền nghi ngờ về những kiểu kiểm tra như vậy.

Một vấn đề nữa, các ngành chức năng đã ra quân dẹp bỏ, cảnh báo rất nhiều lần về nguy cơ an toàn thực phẩm nhưng hình như mới chỉ chú ý đến thức ăn, chứ chưa chú ý đến đồ uống, mặc dù đồ uống có hại cũng nhan nhản trên thị trường và gây không ít hệ lụy. Những người sành rượu từng tổng kết có đến 80% rượu ngoại trên thị trường là rượu giả nhưng vẫn được bày bán công khai. Nước uống đóng chai, nước khoáng tinh khiết có không ít loại là nước máy đóng chai, nước nhiễm khuẩn trà trộn nhưng không bị ngăn cấm hoặc xử phạt. Nước giải khát bên đường từ chè Trân Châu, bát bảo lương trà đến trà xanh, trà đá thì đầy chất bảo quản. Nước đá thì theo một thông tin gần đây, 100% mẫu đều bị nhiễm khuẩn. Đến cà phê là thứ nước uống cao cấp cũng đầy những nghi ngờ về chất tạo bọt, chất thay cà phê thiên nhiên, chất chống mốc… khiến không ai có thể yên lòng. Và nếu ai có dịp chứng kiến nơi sản xuất, nơi bảo quản những sản phẩm ấy thì cam đoan rằng sẽ rất ngần ngại nếu phải uống những thứ nước… giải khát, giải sầu ấy.

Chống rượu độc một cách quyết liệt là rất đáng hoan nghênh, nhưng rượu độc chỉ là một trong hàng trăm thứ đồ uống độc, đang trực chờ đầu độc người tiêu dùng hằng ngày mà chưa được ngăn chặn hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vụ rượu độc nói lên điều gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.