(HNMO) - Ngày 28/6/1914, cậu học sinh 18 tuổi tên là Gavrilo Princip đã nổ súng ở Sarajevo, Bosnia, và làm thay đổi thế giới.
Tờ New York Times cho biết, Princip, người dân tộc Serbia, đã tức giận bởi đế quốc Áo-Hung sáp nhập Bosnia và Herzegovina. Cậu đã ám sát Archduke Franz Ferdinand, người thừa kế ngai vàng của đế chế đó, và vợ ông, nữ công tước Hohenberg, khi họ đang đi trên một đoàn xe hộ tống.
Thái tử Ferdinand đã nhận thức được sự nguy hiểm đối với mình. Trong ngày định mệnh đó, trước khi bị trúng đạn không lâu, ông đã tránh được một quả bom của một sát thủ khác ném vào ông. Nhiều thông tin nói rằng, quả bom đó đã bị bật ra khỏi chiếc xe ô tô chở ông nên ông thoát chết. Tuy nhiên, khi ông đang trên đường tới thăm những người bị thương trong vụ nổ do quả bom đó gây ra thì tiếp tục bị sát hại.
Sự can đảm, hoặc có lẽ là sự bướng bỉnh, điển hình cho tính cách của Thái tử Ferdinand. Ông đã từ bỏ quyền lợi là đứa con tương lai của mình sẽ được lên ngôi dòng họ Hapsburg để kết hôn với một bá tước có địa vị thấp hơn.
Sau vụ ám sát Thái tử Ferdinand, Áo đã tuyên chiến với Bosnia. Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới sớm bị cuốn vào cuộc chiến. Hết nước này đến nước khác vướng vào mạng lưới liên minh được thành lập trước đó: hoặc thuộc liên minh Trung tâm (gồm Đức, Áo-Hungary và các đồng minh của họ) hoặc thuộc phe các nước Đồng minh (gồm Pháp, Anh, Nga và những nước khác, trong đó cuối cùng có cả Mỹ).
Thái tử Franz Ferdinand và vợ |
Những gì được gọi là Cuộc chiến vĩ đại, hay Thế chiến thứ Nhất, đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp hơn bất kỳ cuộc chiến nào trước đó.
Suốt 4 năm sau đó, hàng triệu thanh niên đã chết khi giao tranh trên chiến hào hoặc bị giết chết bởi bệnh tật và các vũ khí hóa học như khí mù tạt. Hơn 30 triệu quân nhân đã thiệt mạng hoặc bị thương. Tới thời điểm đình chiến, được công bố vào năm 1918, cả một thế hệ đã mất đi sự ngây thơ và các nhà văn như Hemingway, Fitzgerald đã lấy cảm hứng từ sự bất an của những người đương thời để viết nên những tác phẩm nổi tiếng thời đại.
Thế chiến thứ Nhất chính thức kết thúc khi người Đức ký Hiệp ước Versailles, miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản của phe Đồng minh. Ngày kí hiệp ước là ngày 28/6/1919, đúng 5 năm sau khi Ferdinand bị sát hại.
20 năm sau đó, thế giới một lần nữa lại chìm trong chiến tranh. Nhưng những vết thương của Thế chiến thứ Nhất chưa bao giờ hoàn toàn liền miệng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.