Căng thẳng leo thang khi Ấn Độ ngày 7-5 (giờ Việt Nam) thông báo triển khai chiến dịch tấn công quân sự trả đũa Pakistan. Tuy nhiên, đây chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" trong mối quan hệ đầy thăng trầm giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á.
Từ sự chia cắt lịch sử đến vòng xoáy đối đầu
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan là một trong những mối quan hệ phức tạp và căng thẳng nhất trong khu vực Nam Á và trên thế giới.
Hai nước có chung một lịch sử, văn hóa và dân tộc trước khi chia cắt vào năm 1947. Tuy nhiên, từ khi giành được độc lập khỏi Đế quốc Anh, cả hai đã bước vào một vòng xoáy đối đầu kéo dài với nhiều cuộc chiến tranh, xung đột biên giới, và những tranh chấp chưa được giải quyết, đặc biệt là vấn đề Kashmir.
Năm 1947, Đế quốc Anh rút khỏi tiểu lục địa Ấn Độ, dẫn đến việc thành lập hai quốc gia độc lập: Ấn Độ và Pakistan. Cuộc chia cắt này dựa trên cơ sở tôn giáo: Ấn Độ chủ yếu theo đạo Hindu, trong khi Pakistan được thành lập như một quốc gia Hồi giáo.
Sự phân chia gây ra cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với hơn 10 triệu người di cư và khoảng 1 triệu người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn liên quan tôn giáo.
Ngay sau khi chia cắt, vấn đề Kashmir - vương quốc Hồi giáo do một vị vua Hindu cai trị - đã trở thành nguyên nhân đầu tiên dẫn đến chiến tranh giữa hai nước.
Sau các cuộc giao tranh kéo dài, Liên hợp quốc đã can thiệp, dẫn đến một thỏa thuận đình chiến vào năm 1949.
Theo thỏa thuận này, khu vực Kashmir bị chia làm hai phần: Ấn Độ kiểm soát Jammu & Kashmir, còn Pakistan kiểm soát Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan. Tuy nhiên, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực, gây ra mâu thuẫn kéo dài đến ngày nay.
Xung đột lần thứ hai giữa Ấn Độ và Pakistan nổ ra năm 1965 cũng vì vấn đề Kashmir. Khi đó, Pakistan tiến hành "Chiến dịch Gibraltar" nhằm kích động cuộc nổi dậy ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại và dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Sau hơn một tháng giao tranh, hai bên đồng ý ngừng bắn theo thỏa thuận Tashkent (do Liên Xô làm trung gian). Tuy tình hình ổn định trở lại, nhưng thỏa thuận Tashkent chưa giải quyết được gốc rễ mâu thuẫn.
Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ thứ ba xảy ra năm 1971 nhưng không liên quan trực tiếp đến Kashmir, mà lại bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tại Đông Pakistan (nay là Bangladesh). Ở thời điểm này, Ấn Độ can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ lực lượng độc lập Bangladesh, dẫn đến thất bại nặng nề của Pakistan và sự ra đời của nước Cộng hòa Bangladesh. Đây là tổn thất lớn về chính trị và quân sự của Pakistan, làm trầm trọng thêm mối quan hệ với Ấn Độ.
Cho tới gần đây, Ấn Độ và Pakistan không xảy ra chiến tranh quy mô lớn, nhưng vẫn có những xung đột nhỏ. Đơn cử, sau khi cả hai nước thử nghiệm hạt nhân vào năm 1998, năm 1999 xảy ra một cuộc chiến quy mô nhỏ nhưng quan trọng tại khu vực Kargil (thuộc Jammu & Kashmir).
Quân đội Pakistan và các lực lượng vũ trang không chính quy đã vượt qua Đường Kiểm soát (LoC - ranh giới thực tế ở Kashmir) rồi chiếm giữ các vị trí chiến lược. Ấn Độ đã phản công mạnh mẽ, đẩy lùi lực lượng Pakistan.
Sự kiện này khiến nhân loại nhận ra nguy cơ lớn khi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đối đầu trực diện.
Nhiều "nút thắt" khó gỡ và điểm nóng cốt lõi Kashmir
Hiện nay, quan hệ Ấn Độ - Pakistan vẫn tồn tại nhiều nút thắt, trong đó Kashmir là điểm nóng cốt lõi, và lâu dài nhất.
Ấn Độ coi Jammu & Kashmir là một phần không thể tách rời của lãnh thổ, trong khi Pakistan coi đây là vùng đất bị chiếm đóng. Cả hai quốc gia đều từ chối thay đổi quan điểm, khiến mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp đều thất bại.
Thứ đến là vấn đề khủng bố và hành động cực đoan. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn các nhóm khủng bố như Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammed, những tổ chức đã tiến hành các vụ tấn công đẫm máu như vụ khủng bố Mumbai năm 2008 và vụ tấn công Pulwama năm 2019.
Pakistan phủ nhận tài trợ khủng bố, nhưng thực tế, cộng đồng quốc tế ngày càng gây áp lực buộc Islamabad có những hành động quyết liệt hơn.
Thứ ba, cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân và có học thuyết răn đe hạt nhân riêng. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch, kết hợp với xung đột thường xuyên ở biên giới, làm tăng nguy cơ leo thang xung đột lên mức hủy diệt. Việc hai quốc gia này không ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) càng khiến tình hình thêm nguy hiểm.
Triển vọng hoà bình mong manh
Mặc dù căng thẳng, cả hai nước đã có những nỗ lực đối thoại thông qua các kênh ngoại giao và trung gian quốc tế. Một số hiệp định quan trọng bao gồm: Hiệp định Simla (1972): Cam kết giải quyết tranh chấp song phương thông qua hòa bình; Tuyên bố Lahore (1999): Thúc đẩy niềm tin lẫn nhau sau khi thử hạt nhân...
Trong tiến trình này, nỗ lực Đối thoại Toàn diện (Composite Dialogue), giai đoạn 2004-2008, là điểm nhấn đáng chú ý với nhiều lĩnh vực từ an ninh đến thương mại. Tuy nhiên, mỗi lần đối thoại đều dễ dàng bị gián đoạn bởi các vụ tấn công khủng bố hoặc căng thẳng biên giới. Dù vậy, đây là khoảng thời gian chứng kiến quan hệ thương mại song phương khởi sắc.
Ấn Độ từng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pakistan trong khu vực. Hàng hóa chính từ Ấn Độ bao gồm hóa chất, dược phẩm, bông sợi và hàng tiêu dùng; còn Pakistan xuất khẩu trái cây, xi măng và một số mặt hàng nông sản.
Một số nỗ lực ngoại giao nhân dân đã góp phần làm giảm căng thẳng, bao gồm: các chương trình trao đổi nghệ sĩ, học sinh, và học giả; các trận cricket giữa hai đội tuyển quốc gia thường được xem là "ngoại giao thể thao"...
Việc Pakistan mở hành lang Kartarpur vào năm 2019, cho phép người Sikh Ấn Độ hành hương đến đền Kartarpur - một địa điểm linh thiêng ở Pakistan - mà không cần thị thực, được xem là cử chỉ hoà giải quan trọng.
Tuy nhiên, sau khi Ấn Độ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp vào năm 2019 (chấm dứt quyền tự trị đặc biệt của Jammu & Kashmir), quan hệ hai nước lại trở nên cực kỳ căng thẳng. Pakistan phản đối quyết định này và hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ. Giao thương song phương cũng bị đình trệ.
Từ năm 2021 trở đi, tuy xuất hiện những tín hiệu tích cực, như việc tái thực thi lệnh ngừng bắn ở LoC, cũng như các phát biểu mềm mỏng hơn từ giới lãnh đạo hai bên, sự can thiệp mang tính hàn gắn từ quốc tế... nhưng cơ bản triển vọng hoà bình bền vững và lâu dài vẫn xa xôi.
Nhìn chung, mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan là một ví dụ điển hình về sự đối đầu kéo dài giữa hai quốc gia có lịch sử, văn hóa và dân tộc tương đồng. Hệ luỵ tất yếu là niềm tin giữa hai nước đang ở mức thấp, cản trở mọi nỗ lực hàn gắn và tìm kiếm tiếng nói chung.
Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng và các vấn đề xuyên quốc gia ngày càng nghiêm trọng, hy vọng về một tương lai ổn định và hợp tác vẫn còn. Tuy nhiên, việc giải quyết một cách toàn diện các nút thắt, hóa giải tận gốc rễ các mâu thuẫn chắc chắn đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ, thiện chí thật sự từ cả hai phía.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.