(HNM) - Những ngày qua, câu chuyện xung quanh việc dòng sông Thị Vải bị
Khi một vụ việc có thể coi là điển hình dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường chưa giải quyết xong, nhiều vụ việc khác lại tiếp tục xuất hiện. Mới đây, Công ty cổ phần Vietstar đã chính thức thừa nhận sai phạm trong việc chôn lấp trái phép 5.000 tấn rác thải trong khuôn viên nhà máy xử lý rác Vietstar tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Hành vi này được Cục Cảnh sát môi trường (C49), Bộ Công an phát hiện ngày 20-8. Rồi không xa chỗ đó là bao, tại huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Công ty cổ phần Vinamit bị bắt quả tang xả chất thải chưa xử lý vào nguồn nước công cộng theo cách giống như Vedan đã làm. Ngày 23-8, DN này quyết định tạm ngừng hoạt động các dây chuyền sản xuất tại đây để tìm biện pháp khắc phục...
Đó chỉ là một phần trong những vụ việc đã được phát hiện và là một phần rất nhỏ trong những vi phạm gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Hậu quả của những vụ việc trên, có chỗ nhìn thấy rõ, lại có chỗ bà con ta chịu... vạ lây. Cụ thể là khi Vinamit tạm ngừng sản xuất, mỗi ngày gần 100 tấn nguyên liệu gồm củ quả các loại như khoai lang, mít, chuối, đu đủ của hàng ngàn nông dân ở các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông, Kiên Giang, Cà Mau bị từ chối tiếp nhận...
Những chuyện nhìn thấy và chưa nhìn thấy càng ngẫm càng đau. Trước hết, có thể thấy các vi phạm về môi trường đối với DN hiện nay dường như quá phổ biến, tới mức đơn vị nào không vi phạm mới là chuyện lạ. Bởi thế, công luận có cảm giác về tình trạng nhờn thuốc, biết là vi phạm nhưng DN vẫn làm. Ngay cả khi một vụ việc đình đám như Vedan được đưa ra ánh sáng, song các DN vẫn không lấy đó làm bài học để nhìn lại mình. Lại có ý kiến cho rằng, hiện nay khung hình phạt của pháp luật còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Một phần là như vậy, nhưng ở một góc độ khác thì việc thực hiện của chúng ta là chưa nghiêm, thậm chí còn nặng về hình thức chứ chưa chú trọng thực chất. Lấy ví dụ, một DN vi phạm tới cả chục năm mà các cơ quan quản lý không hề hay biết, dù trong khoảng thời gian đó chắc chắn đã có hàng chục cuộc thanh, kiểm tra. Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này? Hay như trong đợt kiểm tra hồi tháng 5-2010 của cơ quan chức năng, gần 45% xe khách không đạt tiêu chuẩn về khí thải, gần 30% xe buýt ở Hà Nội gây ô nhiễm môi trường..., đó là chưa tính đến vi phạm về tiếng ồn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các phương tiện giao thông cũng như hoạt động của các DN. Thế nhưng đã xử lý ra sao thì... chưa rõ. Nếu hỏi cơ quan chức năng "Việc khí thải độc hại tại Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7 tới 9 lần bao giờ được giải quyết dứt điểm?" - Chắc chắn sẽ không dễ trả lời...
Lại quay về chuyện nhìn thấy và chưa nhìn thấy. Mức độ thiệt hại về môi trường không phải bao giờ cũng là những con số đo đếm cụ thể, nhìn thấy rõ, mà cao hơn nữa khi có những hậu quả vô hình tác động đến toàn xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể của cơ quan chức năng, của từng cá nhân trong quản lý lĩnh vực này lại không rõ ràng, cụ thể. Nếu "quả bóng" trách nhiệm chung chung như thế để có thể đẩy đi đẩy lại thì xã hội sẽ còn phải chịu ảnh hưởng dài dài từ ô nhiễm môi trường sống mà không thể thống kê hết hậu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.