Theo dõi Báo Hànộimới trên

VN có thể thiếu than nghiêm trọng vào năm 2015-2020

L.H| 02/11/2012 12:04

(HNMO) - Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 ngành than phải đạt sản lượng khai thác 55 triệu tấn than sạch (tương đương với 58 - 60 triệu tấn than nguyên khai) để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế.

Để đáp ứng được lượng than 55 triệu tấn vào năm 2015, phải khai thác được thêm 20 triệu tấn than nguyên khai nữa, như vậy có nghĩa là ngành than phải xây dựng tối thiểu 10 mỏ mới với công suất từ 2 triệu đến 2,5 triệu/năm, nằm trong tổng số 28 mỏ mới mà Chính phủ đã giao.

Tuy nhiên, ngành than cho biết có nhiều khó khăn, vướng mắc để triển khai phát triển mỏ như: Một là, hiện tại việc cấp phép khai thác, cấp phép thăm dò còn vướng mắc (các mỏ than Na Dương, Khánh Hòa, Núi Hồng, Nông Sơn chưa được cấp giấy phép khai thác); tại vùng Quảng Ninh diện tích cộng lại chưa cấp phép là 147,643km2; phần diện tích đã cấp phép khai thác nhưng chiều sâu cần cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác thử nghiệm. Hai là, thời gian xây dựng một mỏ hầm lò mới với công suất từ 2 triệu tấn đến 2,5 triệu tấn/năm phải mất từ 6 -7 năm. Với số vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD - 350 triệu USD cho một mỏ, số tiền cần cho trước mắt để xây dựng được 10 mỏ mới là 3,5 tỷ USD; nếu xây hết cả 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ, vốn cần đầu tư tới hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, hiện tại ngành Than đang thiếu vốn trầm trọng do giá than bán cho điện rất thấp (dưới giá thành), sản lượng và giá bán than xuất khẩu giảm, trong đó khi giá thành khai thác tăng cao nên không có lãi và không đủ điều kiện để thực hiện chủ trương đầu tư phát triển.

Nếu không có những đột phá mới về cơ chế chính sách của Nhà nước, Chính phủ, hậu quả đến năm 2015, năm 2020 sẽ không đủ than cung cấp cho hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than với tổng công suất là 36.000MW nằm trong Quy hoạch Điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt chưa nói tới không đủ than phục vụ cho các ngành kinh tế khác…


Sử dụng nguồn than chưa hợp lý, khó khăn trong nhập khẩu than

Trong thực tế lượng than khai thác nhiều nhất là than cám 6, cám 6A, cám 6B… nhưng trong lúc đó các nhà máy nhiệt điện chạy than đang sử dụng nhiều loại than cám 5, than cám 4B còn các nhà máy ngành xi măng có nơi đang sử dụng than cám 3. Điều này nói lên các nhà máy nhiệt điện than cần đổi mới công nghệ lò hơi bằng các lò hơi sử dụng được các loại than xấu nêu trên cũng như các nhà máy xi măng, các nhà máy hóa chất cần đổi mới công nghệ để sử dụng các loại than tương tự.

Theo Hiệp hội năng lượng VN: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ cần có chỉ đạo các Tập đoàn, các Tổng công ty, các doanh nghiệp trong nước làm việc với ngành than để biết được nhà máy của mình cần sử dụng loại than nào mà ngành than có khả năng cung cấp kể cả trước mắt và lâu dài từ đó cần đổi mới công nghệ và thiết bị để đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn than trong nước sản xuất.

Hiện nay nhà nước giao cho ngành than ngoài việc khai thác than trong nước, còn phải có nhiệm vụ nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành kinh tế trong nước đặc biệt là ngành điện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hộ sử dụng than nào đến ký hợp đồng nhập khẩu than. Theo đó, mặc dù ngành than đã đi thăm dò một số nước có khả năng xuất khẩu than như Indonesia, Australia và một số nước khác và kết quả là việc mua than của các nước này là không đơn giản đặc biệt là than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Trong lúc đó theo tính toán của Quy hoạch Điện VII và theo nhiệm vụ của Chính phủ giao, từ năm 2015 đã phải nhập khẩu than rồi và đến năm 2020 than cần cho điện tối thiểu khoảng 67 triệu tấn/năm than tiêu chuẩn.

Hiện tiêu thụ than trong nước giảm mạnh, dự kiến năm 2012 chỉ đạt khoảng 24 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với kế hoạch.

Than xuất khẩu cũng đang giảm mạnh, tháng 7/2012 chỉ bán được 300.000 tấn, bằng 25% bình quân 1 tháng đã thực hiện trước đây.

Tổng sản lượng than tồn kho tính đến ngày 31/7/2012 là 9 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, nhưng chưa có phương án để tiêu thụ. Dự kiến, cả năm 2012 tổng sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt khoảng hơn 39 triệu tấn. Trước tình hình trên, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ 6,5 triệu tấn than (bằng 15%) so với kế hoạch đầu năm.

Riêng về giá than trong nước thấp, đặc biệt giá than bán cho điện rất thấp (cho đến nay chỉ đạt khoảng 55% giá thành). Giá bán xuất khẩu hiện đã xuống thấp tới mức kỷ lục: than cám 8B-HG giảm 36%, than cục 4A-HG giảm 24%, than cám 11A-HG giảm 25% và than cám 9B-HG giảm 25%.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VN có thể thiếu than nghiêm trọng vào năm 2015-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.