Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vĩnh biệt Tiến sĩ Nishimura Masanari

Trần Văn Mỹ| 13/06/2013 05:58

(HNM) - Vào những phút cuối chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tối 10-6, tình cờ tôi đọc được vài từ cuối trong dòng tin điện tử thông báo rằng, một nhà khảo cổ học Nhật Bản có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam đã mất vì tai nạn giao thông.

Sau những giờ thao thức, vào sáng sớm 11-6, ông Nguyễn Việt Hồng (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) gọi điện báo tin Tiến sĩ Nishimura Masanari bị tai nạn giao thông vào buổi sáng 9-6, khi anh đang trên đường từ Hà Nội về Bắc Ninh tiếp tục nghiên cứu gốm sứ vùng Kinh Bắc và đã mất 2 giờ sau đó tại bệnh viện. Lúc ấy, trong tôi sống dậy bao kỷ niệm gợi niềm tiếc thương và kính trọng đối với nhà khảo cổ học Nhật Bản tài năng đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Tiến sĩ Nishimura Masanari, nhà khảo cổ học đã có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam.



Tháng 3-2000, biết tin có một kho gốm sứ xuất lộ tại bờ bắc sông Hồng thuộc xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, tôi liền qua đó. Trong chuyến đò ngang sáng đó, giữa mưa phùn lất phất, tôi gặp người thanh niên cao lớn đeo kính cận, mặc áo mưa, chân đi ủng cùng sang đò.

Tôi tìm gặp ông Nguyễn Việt Hồng, nhà ở kề bờ sông. Sau ít phút làm quen, ông Hồng đưa tôi ra thăm các hố khai quật, thế nào gặp ngay người thanh niên cùng đi đò ít phút trước đó. Ông Hồng giới thiệu đó là Nishimura Masanari, tốt nghiệp đại học ở Tokyo, sang nghiên cứu về gốm sứ Việt Nam đã hơn 10 năm. Mấy năm trước đó, khi nghiên cứu về làng gốm Đương Xá (Bắc Ninh), anh phát hiện lò nồi thế kỷ X cùng nhiều hiện vật rất quý. Sau đó, nhờ nỗ lực của anh, Bảo tàng Đương Xá được thành lập. Do làm việc vất vả nên anh bị chấn thương cột sống, việc đi lại phải nhờ vợ giúp.

Sau khi đi thăm vùng bờ sông Kim Lan và hàng nghìn di vật gốm sứ do Nhóm tìm về Cội nguồn xã Kim Lan tìm được tại đây, anh coi đó là kho báu cần tiếp tục khai thác. Nishimura vận động Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa trong lòng đất Đông Nam Á của Nhật Bản cấp kinh phí giúp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khai quật tại di chỉ Kim Lan vào tháng 4-2001; Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật vào năm 2003. Qua hai lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm được hàng vạn hiện vật gốm sứ, trong đó có bát nhĩ bôi (thế kỷ II), gạch Hán thời Đông Hán, Tây Hán. Những viên gạch có chữ Giang Tây Quân đã giúp Nishimura khẳng định rằng, vào thế kỷ IX, đất Kim Lan là nơi ở của Cao Biền. Tại đây, Cao Biền đã cho dựng các lò gốm sứ gia dụng và nung gạch để dựng thành Đại La. Kết quả khai quật khiến giới khảo cổ ở trong và ngoài nước phấn chấn nhưng sau đó, do nước sông đổi dòng, các hố khai quật có nguy cơ lở cả xuống sông, Nishimura đã phối hợp với cơ quan văn hóa Việt Nam và bè bạn giúp tiền mua 100m3 đá hộc để kè bờ sông.

Nhằm quảng bá kết quả thu được, nhờ sự xúc tiến của anh, ngày 18-2-2005, tại xã Kim Lan đã diễn ra hội thảo và trưng bày hàng vạn di vật gốm sứ tìm được trong lòng đất Kim Lan. Các di vật có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XVII, nhiều nhất là thế kỷ XIII-XIV. Theo Nishimura, bảo tàng phải được đặt ngay bên cạnh di chỉ thì mới có giá trị và anh ấp ủ ước mơ dựng một bảo tàng gốm sứ ngay trên đất Kim Lan. Anh vận động doanh nhân ở tỉnh Kobe, những người trong Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa trong lòng đất Đông Nam Á, bè bạn ở Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ kinh phí. Năm 2011 công trình được khởi công, tới ngày 2-3-2012 thì làm lễ khánh thành Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (rộng 500m2 do một KTS người Anh thiết kế theo dáng lò bầu cổ truyền và lò hộp thời hiện đại). Tính đến thời điểm này, Kim Lan là làng nghề đầu tiên ở Việt Nam có bảo tàng gốm sứ.

Tận tụy với việc bảo tồn

văn hóa Việt Nam, năm 2006 Nishimura bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài gốm sứ ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Bản luận văn 318 trang gồm 18 chương, anh đã dành chương 14 nói về lịch sử nghề gốm 15 thế kỷ của Kim Lan.

TS Nishimura là nhà khoa học có tác phong nghiên cứu sâu sát, tỷ mỷ. Ở nơi nào có phát hiện mới về khảo cổ là người ta thấy có mặt anh. Anh vào Hoàng thành Thăng Long nghiên cứu di vật đời Lý - Trần; đến Tây Đô (Thanh Hóa) nghiên cứu thành nhà Hồ. Chính những nghiên cứu hữu ích của anh đã góp phần để UNESCO công nhận ngôi thành đá độc đáo này là Di sản Văn hóa thế giới. Anh đến vùng đất cổ Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tìm dấu tích của người xưa, phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng được người Việt sử dụng từ đầu Công nguyên. Phát hiện độc đáo này một lần nữa chứng minh rằng, các trống đồng từng được biết lâu nay phần lớn do người bản địa tự đúc chứ không phải được mang từ nơi khác đến.

Nishimura nặng tình với Việt Nam. Trong lần trả lời phỏng vấn truyền hình, anh bộc bạch rằng: Việt Nam đã se duyên tôi với cô Noriko. Năm 2001, chúng tôi tổ chức lễ cưới ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và giờ đã sinh được hai bé. Cuộc sống của tôi ở Việt Nam vô cùng hạnh phúc.

Về phần việc mai này, Nishimura nói rằng, khảo cổ học Việt Nam còn nhiều việc phải làm và đó là lý do để anh gắn bó với Việt Nam lâu hơn nữa. Nhưng tiếc thay, ước mong bình dị của anh với Việt Nam, quê hương thứ hai của anh sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nữa. Tai nạn ác nghiệt đã vĩnh viễn cướp anh đi. Nishimura Masanari mất đi nhưng các nhà khảo cổ Việt Nam và các học sinh Việt Nam do anh tận tâm rèn dạy sẽ mãi khắc ghi hình ảnh một nhà khoa học tận tâm, một người con của đất nước Nhật Bản đã trọn đời gắn bó với văn hóa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh biệt Tiến sĩ Nishimura Masanari

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.