(HNMO) - Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ và tư vấn về phát huy giá trị Khu khảo cổ Hoàng Diệu”, chiều 13-4, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tòa thị chính thành phố Toulouse và Cơ quan phát triển Pháp tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long”.
Bộ sử phản chiếu nghìn năm văn hiến
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đóng vai trò trung tâm quyền lực quốc gia, nơi hiện hữu các giá trị lịch sử - văn hóa lớn. Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, cùng tầng lớp di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động, trong đó có di sản khảo cổ học đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị cho di sản.
Sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh (2010-2023), Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã triển khai cơ bản các công tác về di sản thế giới đạt hiệu quả, trong đó, chú trọng cam kết: Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật hằng năm tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với tổng diện tích hơn 9 nghìn m2.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Công tác khai quật đã làm phát lộ hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý đến thời Nguyễn, đặc biệt đã xác định được không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Bên cạnh đó là hàng nghìn di vật gạch, ngói, gốm, sứ, kim loại..., góp phần củng cố hơn nữa giá trị to lớn của di sản cũng như góp thêm tư liệu cho quá trình thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên".
Tuy nhiên, cũng giống với nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học là thách thức không nhỏ ở nước ta, trong đó có Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, di sản khảo cổ học là những bằng chứng vật chất giúp chúng ta mở ra cánh cửa dẫn tới quá khứ. Tuy nhiên, các di sản khảo cổ học cũng là loại hình di sản rất mong manh, không thể tái sinh và chịu tác động lớn bởi môi trường bên ngoài.
“Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học trong sự phát triển không ngừng của đô thị, trước sự tàn phá của thời gian, môi trường và khí hậu vẫn luôn là được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và công chúng. Câu hỏi về sự tồn tại của các di tích khảo cổ học cùng với hàng triệu “hiện vật vô giá” tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất sẽ như thế nào trong bối cảnh hôm nay luôn nóng hổi, mang tính thời sự và gây nhiều tranh luận”, ông Nguyễn Thanh Quang nêu.
Đề xuất giải pháp phát huy không gian khảo cổ học
Từ những thách thức đặt ra, Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu khai quật và bảo tồn di sản khảo cổ học trong nước và quốc tế, từ đó nêu lên định hướng cho công tác phát huy giá trị các di sản Khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng công trình trên di tích khảo cổ; các phương án bảo tồn di tích trước thách thức của thời tiết, khí hậu; các giải pháp về ánh sáng, nhiệt độ, không gian cho bảo tồn di tích… cũng như những định hướng phát huy giá trị di sản khác để hướng tới mục tiêu quản lý bền vững.
Chẳng hạn về phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam đề xuất xây dựng một bảo tàng tại chỗ mang chủ đề các dấu tích Cung điện Thăng Long. Mô hình tốt nhất, theo PGS.TS Tống Trung Tín là học tập theo mô hình của Pháp ở Ferigeux, với thiết kế đẹp và bền vững - là một trong những thiết kế đẹp nhất trong tất cả bảo tàng tại chỗ hiện có trên thế giới. Cùng với đó, là các giải pháp bổ trợ để phát huy hiệu quả giá trị Khu di sản, như: Nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, nghiên cứu phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc Hoàng cung Thăng Long.
Để có thêm cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) cho rằng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực: Khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mĩ thuật... Trước hết, cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, việc này cần đẩy mạnh công tác khảo cổ học ở khu vực này nhằm làm rõ nền móng và phân gian của chính điện Kính Thiên. Công tác nghiên cứu cần đẩy mạnh hơn với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu theo các nhóm vấn đề giống như khuyến nghị trong Văn kiện Nara 1994 gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong và bên ngoài di sản.
Theo Chuyên gia Pháp Jean Francois Milou từ Văn phòng Studio Milou Singapore, với đặc thù cùng yêu cầu nghiêm ngặt về quy hoạch, khu vực khảo cổ học có thể phát triển thành một công việc chuyên ngành tại khu di sản, vừa góp phần bảo tồn, phát huy hiệu quả không gian khảo cổ, vừa tạo thành hình ảnh văn hóa mang tính kết nối đầy ý nghĩa giữa Hà Nội xưa và nay.
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành nhận định, việc xây dựng bảo tàng tại chỗ cần cân nhắc các giải pháp xây dựng, cũng như các bước từ bản vẽ đến thi công, tránh nguy cơ gây tổn hại cho di sản, ảnh hưởng tới hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị sau này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.