Điểm đến

Phát triển du lịch từ di sản khảo cổ học ở Tràng An

Bảo Khánh 11/03/2024 - 17:50

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là nơi lưu giữ, bảo tồn các di tích khảo cổ học thời kỳ tiền - sơ sử cùng nhiều di tích gắn với lịch sử nhân loại và dân tộc.

Các di tích này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với hệ thống địa chất, địa mạo và hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi đặc trưng, mang lại vẻ đẹp riêng biệt cho vùng đất Ninh Bình. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng giúp tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch khảo cổ học độc đáo.

ninh-binh.jpg
Không gian văn hóa Khê Cốc (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An). Ảnh: Thái Bá

“Cuốn biên niên sử” về thiên nhiên và văn hóa

Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đến nay, Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, nơi kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa; đồng thời còn là “cuốn biên niên sử” ghi lại sự biến đổi môi trường, truyền thống cư trú của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối.

Sau nhiều năm nghiên cứu, khai quật khảo cổ học có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, một kho tư liệu khổng lồ về lịch sử nhân loại qua các thời kỳ tiền - sơ sử cách đây hơn 30.000 năm đã hé mở nhiều điều thú vị. Từ những vỏ ốc biển được chế tác làm đồ trang sức có niên đại hơn 20.000 năm, cho đến những mảnh gốm có niên đại trên dưới 9.000 năm cùng các công cụ đồ đá, đồ xương được phát hiện đã giúp công chúng hiểu hơn về cách kiếm sống, cách di cư đến những vùng đất mới của người tiền sử. Đây cũng là cứ liệu giải thích cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa qua các thời kỳ.

Chia sẻ về tài nguyên di tích khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: “Sự phân bố của các di tích khảo cổ học ở Tràng An hết sức đa dạng, phong phú. Từ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, có thể khẳng định, Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú, cho chúng ta nghiên cứu về nhân loại thời tiền sử. Từ đó, có thể khẳng định truyền thống cư trú, sử dụng vùng đất và vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối, kéo dài tới 30.000 năm, được thể hiện trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử...”.

Ngoài ra, những khám phá khảo cổ học còn góp phần làm rõ diện mạo của kinh đô Hoa Lư với những thành quách, cung điện, lầu gác mang đậm phong cách nghệ thuật thời Đinh và tiền Lê. Cùng với đó là những dấu tích về hành cung Vũ Lâm thời Trần với những giá trị đặc trưng về địa chính trị, tôn giáo, lịch sử, văn hóa không nơi nào có được. Đó vừa là căn cứ kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vừa là nơi các vua Trần quy y Phật pháp, khởi nguồn cho dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Đề cao vai trò du lịch có trách nhiệm

Di tích khảo cổ học là một tài nguyên di sản văn hóa độc đáo, mang giá trị phổ quát nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An. Việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy phát triển vùng đất Ninh Bình một cách toàn diện, bền vững. Muốn vậy, cần tạo ra những sản phẩm du lịch từ chính các kết quả nghiên cứu khoa học, qua đó không chỉ đa dạng hóa trải nghiệm mà còn tạo nên những sản phẩm độc đáo, đặc trưng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á: Cần đầu tư để đưa các kết quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm du lịch nhằm tăng hiểu biết và tạo ra những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, như chế tác đồ trang sức từ những vỏ ốc đã được định tuổi, trình diễn quá trình làm gốm; phục dựng chân dung người và hình dạng các loài thú thông qua xương cốt khai quật khảo cổ... Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính giáo dục cao như tạo hiệu ứng 3D bằng ánh sáng laser phục dựng sinh hoạt của người xưa thông qua các hình vẽ trên vách động Vân Phong hay ở quần thể Khe Cốc; lặn tìm gốm đời Trần trong khu vực đầm Vũ Lâm; chế tạo dụng cụ bẫy thú, bắt cá, chế biến thức ăn tiền sử (củ quả, nhuyễn thể, cá, thú nhỏ)...

Nhấn mạnh đến yếu tố thuận lợi về khoảng cách giữa Hà Nội - Ninh Bình, Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, Quần thể danh thắng Tràng An có thể đáp ứng nhu cầu kết nối các tuyến đường biển, đường bộ Bắc - Nam và các khu di sản khác ở Việt Nam cũng như trong khu vực. Tại đây cũng có thể xây dựng các sản phẩm du lịch hướng đến từng đối tượng cụ thể như thăm các di chỉ hang động tiền sử kết hợp với các chứng tích của sự biến đổi mực nước biển hoặc môi trường. Đối tượng tham gia là thanh niên, có nhu cầu học tập, nghiên cứu và đam mê trải nghiệm du lịch mạo hiểm.

Ngoài ra, có thể tổ chức tour thăm các di chỉ khảo cổ học trong lòng đất (tường thành, cung điện, hành cung), các công trình hiện còn trên mặt đất, các địa điểm liên quan đến các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đáng chú ý. Sản phẩm này có thể dành cho tất cả mọi nhóm đối tượng và lứa tuổi.

Với quan điểm “bảo tồn để phát triển nhưng không đóng băng di tích”, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh việc khai thác, phát huy giá trị di sản và du lịch có trách nhiệm song song với những biện pháp bảo vệ, theo dõi, đánh giá tác động của môi trường đến di sản.

“Giá trị của di tích cũng cần được nhiều người nhận biết thông qua chương trình diễn giải giá trị của di sản. Chỉ khi cộng đồng địa phương và nhiều người khác biết đến giá trị của di tích mới có thể chung sức bảo vệ di tích tốt hơn. Vấn đề bảo tồn cần có nguồn lực từ cộng đồng địa phương và từ việc khuyến khích phát triển du lịch trách nhiệm với sự tham gia của các bên liên quan gồm chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và khách du lịch...” - ông Mạnh đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch từ di sản khảo cổ học ở Tràng An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.