Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết tiếp bản hùng ca mùa xuân đại thắng

TTXVN| 30/04/2018 08:05

(HNM) - Hơn bốn thập niên đã trôi qua, mỗi người chúng ta vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nói về những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những giờ phút “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam”;

Nhắc lại quá khứ hào hùng hôm qua không chỉ để hoài niệm. Bởi lịch sử là một quá trình liên tục và quá khứ vẫn không ngừng tác động mạnh mẽ tới hiện tại. Càng khâm phục, tự hào về lớp lớp cha anh với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì nhân dân, những thế hệ hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình.

Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước

Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9-1975 đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ngày 25-4-1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 2-7-1976). Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc huy là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô là Hà Nội. TP Sài Gòn đổi tên thành TP Hồ Chí Minh.

Sau 43 năm, TP Hồ Chí Minh đang từng bước trở thành đô thị văn minh, hiện đại.


Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.

Từ đó đến nay, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân; Quốc hội có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường và lắng nghe ý kiến cử tri; công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được tăng cường; Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân; Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn, đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.

Bên cạnh hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, Việt Nam cũng dần hoàn thiện thể chế nhà nước. Việt Nam đã ba lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành trên 150 bộ luật và luật, trên 70 pháp lệnh. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và hàng loạt bộ luật để thể chế hóa Hiến pháp 2013 cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế Việt Nam dần hồi phục và phát triển


Sau giai đoạn khó khăn nhất là khắc phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, những năm sau đó, kinh tế Việt Nam đã dần hồi phục và phát triển, rồi đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng trong nhiều giai đoạn.

Nếu như trong giai đoạn 1986-1990, mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 1996-2000, dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giảm xuống còn 6,32%/năm.

Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,2% và năm 2017 là 6,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, nếu như năm 2003, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2017, con số này đã tăng lên 2.385 USD.

Môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2017, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 1.600 nghìn tỷ đồng; đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 2.591 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015 tăng đến 18%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 213 tỷ USD. Xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và giảm dần tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nguyên liệu thô.

Ngoài ra, tại Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp... Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt


Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010 và giảm xuống còn khoảng 7%-7,2% năm 2015. Năm 2017, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước ước còn 8%.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được chú trọng, giao lưu hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hóa - nghệ thuật được khuyến khích; quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực; năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm…

Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, 43 năm qua cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Cho đến nay đã có 69 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam có 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang thực thi trong tổng số 16 FTA được ký kết. Việc tham gia vào các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày…

Có thể thấy, sau 43 năm, Việt Nam - từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận - đã vượt lên, phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên gấp nhiều lần, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp bản hùng ca mùa xuân đại thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.