(HNM) - Nhà văn, dịch giả, giảng viên Văn học của Trường Đại học Meiji Gakuin - TS Masatsugu Ono vừa có chuyến sang Việt Nam, thuyết trình về Văn học đương đại Nhật Bản tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. Masatsugu Ono được coi là một cây bút trẻ đầy hứa hẹn ở Nhật Bản hiện nay, từng được nhận một số giải thưởng văn học uy tín. Dưới đây là những chia sẻ của anh với bạn đọc Hànộimới.
- Anh đã từng đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam chưa? Sự hiện diện của văn học Việt Nam ở Nhật Bản như thế nào, thưa anh?
- Tôi đã từng đọc tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh trong cuốn "Văn học thế giới toàn tập" đã được dịch sang tiếng Nhật, nhiều độc giả Nhật Bản cũng đã được đọc tác phẩm này. Tôi được biết "Nỗi buồn chiến tranh" là một tác phẩm văn học ấn tượng của Việt Nam và tôi hy vọng nó sẽ được yêu thích ở Nhật Bản. Tôi cũng rất tiếc là chưa được đọc nhiều tác phẩm văn học hay khác của Việt Nam. Văn học Việt Nam hiện diện ở Nhật Bản còn khá ít ỏi. Văn học của Nhật Bản được dịch sang tiếng Việt trong thời gian gần đây, theo tôi được biết có trên dưới 40 tên sách. Nhật Bản còn rất nhiều tác phẩm giá trị chưa được giới thiệu ở đất nước các bạn. Tôi rất hy vọng, tới đây, việc hợp tác văn học dịch giữa hai nước sẽ được thúc đẩy hơn nữa.
- Anh có nói Murakami Haruki (tác giả của "Rừng Nauy", "Biên niên ký chim vặn dây cót"…) là một hiện tượng đặc biệt ở Nhật với lượng xuất bản kỷ lục, và giới trẻ Nhật hiện nay thường chỉ tìm đọc các tác phẩm văn học giải trí hơn là đọc tác phẩm văn học thuần túy. Anh và các đồng nghiệp có thấy nản lòng không? Dưới góc độ một nhà phê bình, anh nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
- Tôi không thấy bi quan. Trong văn học, người ta gọi đó là sự lựa chọn. Dù là văn học giải trí, hay là gì đi nữa thì độc giả, sau khi đọc xong tác phẩm sẽ rút ra cho bản thân điều gì, đó mới là quan trọng. Theo tôi, trong văn học không có thứ hạng. Nó cũng giống như các hình thức nghệ thuật khác, phụ thuộc vào sự lựa chọn của độc giả. Thông qua các hình thức nghệ thuật, bạn đọc rút ra cho mình những điều quý giá, đó là điều ý nghĩa nhất!
Tiến sĩ, nhà văn trẻ Nhật Bản Masatsugu Ono (trái) |
- Thưa anh, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà văn Nhật Bản thường quan tâm tới những vấn đề gì? Trách nhiệm xã hội của người cầm bút trẻ ở Nhật Bản có được thể hiện rõ ràng không?
- Trong 10 năm trở lại đây, có hai đề tài mà các nhà văn ở Nhật Bản quan tâm là tình yêu và đời sống của giới trẻ hiện đại. Giới trẻ Nhật Bản dường như cảm thấy ngột ngạt với xã hội hiện nay. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một điều, nhà văn trẻ Nhật Bản muốn viết một cách thành thật, nghiêm túc để từ đó tác phẩm đi vào lòng độc giả. Họ không chịu áp lực khi viết hoặc cảm thấy phải đóng một vai trò gì đó với xã hội. Bằng cách sống, viết thành thật những vấn đề mình quan tâm, tác phẩm của họ sẽ dần dần tác động vào đời sống xã hội một cách tự nhiên.
- Ở Việt Nam, những năm gần đây xuất hiện nhiều cây bút trẻ. Anh có thể chia sẻ về đội ngũ nhà văn trẻ ở Nhật Bản?
- Nhà văn trẻ Nhật Bản thường viết về những trải nghiệm hằng ngày của họ. Dĩ nhiên, nhìn từ góc độ nào thì tùy thuộc vào từng nhà văn. Điều đó làm nên sự khác biệt, phong phú trong văn học. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, mỗi người đều có ý thức viết một cách thành thật.
- Xin anh cho biết giải thưởng văn học nào ở Nhật Bản được đánh giá cao nhất? Các tác phẩm đoạt giải thưởng có được quảng bá tốt, được bạn đọc quan tâm không?
- Ở Nhật Bản, giải thưởng văn học quan trọng nhất đối với các cây bút trẻ là Akutagawa. Ai đoạt giải thưởng đó, giới truyền thông sẽ rất quan tâm và công chúng sẽ biết đến tác giả ngay. Báo chí và các nhà xuất bản vào cuộc sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Mặc dù đoạt giải thưởng này là rất quan trọng, nhưng không phải ai được giải sau đó cũng sẽ có tiếp những tác phẩm hay. Haruki Murakami là một ngoại lệ. Điều này cho thấy giải Akutagawa không hẳn đã mang lại giá trị về mặt sáng tác.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.