(HNM) - Hơn 50% trẻ em Việt Nam thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hằng ngày. Tỷ lệ trẻ béo phì và dư cân cũng đang gia tăng, đặc biệt là ở đô thị.
Vừa suy dinh dưỡng vừa thừa cân, béo phì
SEANUTS được tiến hành với quy mô lớn trên 16.744 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi tại bốn quốc gia Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, từ năm 2010 đến 2012. Tại Việt Nam, khảo sát do các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia thiết kế và thực hiện dưới hình thức một điều tra cắt ngang, tiến hành trên 2.880 trẻ trước tuổi tiểu học và tiểu học tại một số vùng trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Các vấn đề được khảo sát gồm: Nhân trắc dinh dưỡng của trẻ; tình trạng kinh tế xã hội; mô hình hoạt động thể lực; chế độ ăn uống; thói quen ăn uống; tình trạng hóa sinh dinh dưỡng; mật độ xương; chức năng và sự phát triển nhận thức của trẻ.
Tư vấn dinh dưỡng cho trẻ. Ảnh: Minh Hải |
Kết quả thu được, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân vùng thành thị là 10,8%, vùng nông thôn là 20,8%. Bên cạnh đó, xu hướng thừa cân, béo phì (TCBP) cũng đáng báo động, có đến 29% trẻ TCBP ở thành thị và 5,5% trẻ TCBP ở vùng nông thôn. "Có sự tồn tại đồng thời cả hai vấn đề SDD và TCBP ở trẻ em, khác biệt theo vùng, với tỷ lệ SDD cao ở vùng nông thôn và TCBP tập trung chủ yếu ở vùng thành thị. Như vậy, các chương trình can thiệp cần hướng vào phòng, chống SDD cho trẻ em ở vùng nông thôn và phòng chống TCBP cho trẻ em đặc biệt ở khu vực thành thị. Sự gia tăng nhanh TCBP ở vùng thành thị là vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách cần được can thiệp sớm" - GS, TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá.
Thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng
Cũng theo kết quả khảo sát, nhóm trẻ gái ở khu vực thành thị có tỷ lệ thiếu vitamin D cao nhất (58,36%), tiếp đến là nhóm trẻ trai ở khu vực nông thôn (49,76%). Nhóm trẻ trai ở khu vực thành thị và nhóm trẻ gái ở khu vực nông thôn có tỷ lệ thiếu vitamin D là 46,69% và 46,65%.
Tỷ lệ thiếu máu trẻ em 0,5-5,9 tuổi là 23%, trong đó, ở nông thôn 25% và thành thị 20%. Tỷ lệ thiếu máu của trẻ thay đổi theo độ tuổi. Độ tuổi nhỏ nhất (6-24 tháng) có nguy cơ thiếu máu cao nhất so với các nhóm khác (25,9% ở thành thị và 54,3% ở nông thôn). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tiểu học là 11,8%, tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt cạn kiệt (Ferritin < 15 ug/L) là 6%, dự trữ sắt thấp (Ferritin < 30 ug/L) là 28,8%. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt (Hb < 11,5 g/dl và Ferritin < 30 ug/L) chiếm 23,9%. Tỷ lệ thiếu vitamin A là 7,7% trong khi gần một nửa (48,9%) trẻ em có tình trạng thiếu vitamin A giới hạn (retinol huyết thanh > 0,7 và < 1,05 umol/L).
Như vậy, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở các mức độ khác nhau. Việc phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng và thiếu máu cần được đẩy mạnh bằng các can thiệp phù hợp nhằm hạ thấp tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em tại cộng đồng trong thời gian tới.
TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng quốc gia, người điều phối dự án cho biết: "Kết quả nghiên cứu đã trả lời một số câu hỏi quan trọng, định hướng cho việc xây dựng các chính sách, các chương trình can thiệp dinh dưỡng và sức khỏe hiệu quả như: Liệu có xu hướng thay đổi của tình trạng SDD? Sự chuyển đổi về thói quen ăn uống và mô hình hoạt động thể lực của trẻ như thế nào? Thiếu sắt và vitamin A liệu có còn là vấn đề cần quan tâm? Diễn biến của tình trạng thiếu vitamin D trong nhóm trẻ em từ 6-11 tuổi? Bên cạnh đó, khảo sát được thực hiện đồng thời tại bốn nước Đông Nam Á, vì vậy, Việt Nam có thể đối chiếu tình hình dinh dưỡng của nước nhà so với các nước trong khu vực dựa trên các tiêu chí đánh giá tương đồng.
Tuy chỉ là bước đầu, nhưng SEANUTS không chỉ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chương trình những dữ liệu quý và đầy đủ nhất các thông số liên quan tới dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ em từ trước tới nay mà còn chỉ ra chìa khóa của sức mạnh quốc gia và sức khỏe của từng cá thể nằm trong việc thiết lập môi trường hỗ trợ lối sống lành mạnh và khuyến khích các hành vi hướng tới sức khỏe ngay trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ. Những thông tin từ SEANUTS cũng góp phần hoạch định các nghiên cứu tiếp theo nhằm cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ em Việt Nam cũng như trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.