An toàn thực phẩm

Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi: Làm sao để khỏe mạnh, tránh bệnh tật?

Xuân Lộc 01/10/2024 08:39

Khi về già, hệ tiêu hóa sẽ dần suy yếu, khả năng ăn uống và hấp thụ thức ăn vì thế cũng kém đi.

Do đó, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, an toàn và khoa học sẽ giúp người cao tuổi nâng cao sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh tật.

cham-soc-nguoi-cao-tuoi-tai.jpg
Chăm sóc người cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa trung ương.

Những thực phẩm nên tránh

Người cao tuổi thường có cảm giác ăn không ngon miệng, không muốn ăn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quá trình lão hóa xảy ra tại nhiều cơ quan trong cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, đầu tiên phải kể đến là các vấn đề về răng miệng như viêm lợi, rụng răng... khiến người cao tuổi nhai, nuốt kém, ảnh hưởng đến vị giác, dẫn đến ít có cảm giác thèm ăn. Thêm vào đó, nhu động thực quản giảm khiến cho quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa cũng kém hơn. Từ đó, người cao tuổi có xu hướng ăn chậm, nhai lâu. Hơn nữa, sự suy giảm chức năng của ruột, dạ dày cũng là nguyên nhân khiến người cao tuổi hay bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng thường gặp như: Tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng và táo bón...

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng, do hệ tiêu hóa của người cao tuổi hoạt động yếu, luôn cảm thấy ăn uống không ngon miệng nên người cao tuổi cũng là đối tượng thường bị suy nhược cơ thể. Ngoài ra, những người cao tuổi có mắc một số bệnh lý mạn tính như: Tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, dạ dày, các loại ung thư... thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thậm chí phải ăn kiêng một số loại thực phẩm và chưa xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chính vì không bảo đảm bổ sung đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể cũng khiến người cao tuổi dễ rơi vào tình trạng thiếu chất, suy nhược.

So với người trẻ tuổi, nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm dần. Tuy nhiên, một số ít người cao tuổi vẫn ăn nhiều như lúc còn trẻ và bị thừa cân. Những trường hợp này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị suy tim, suy gan, suy thận, đái tháo đường... do tình trạng béo phì, thừa cân gây ra. Thêm vào đó, hệ miễn dịch và tiêu hóa của người cao tuổi không còn được khỏe mạnh như khi còn trẻ. Do đó, nếu họ ăn các loại trứng lòng đào, thịt tái, thịt gia cầm chưa chín kỹ hoặc món gỏi… có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết, thậm chí dễ bị sốc nhiễm trùng. Hơn nữa, những thực phẩm tái sống còn làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella gây ra.

Không chỉ vậy, ở người cao tuổi, bộ máy tiêu hóa trở nên suy yếu nên khi ăn các món nướng hay thức ăn chiên rán sẽ rất khó tiêu hóa.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), thực phẩm chiên rán là nhóm thực phẩm giàu năng lượng, nếu sử dụng không hợp lý sẽ gây ra béo phì và là một trong những nguyên nhân của các rối loạn chuyển hóa làm gia tăng một số bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Ngoài ra, khi ăn nhiều nội tạng động vật là loại thực phẩm có nhiều cholesterol cũng sẽ gây ra các bệnh: Tăng huyết áp, gout, mỡ máu cao, tim mạch và đái tháo đường.

Xây dựng chương trình dinh dưỡng cho người cao tuổi

Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Thanh Dương, vấn đề dinh dưỡng ở người cao tuổi tại nước ta chưa được chú trọng nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - nơi khả năng chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế. Viện Dinh dưỡng quốc gia đã trình Bộ Y tế đề án chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi, trong đó có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống. Ngoài ra, Viện Dinh dưỡng cũng đang phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế) xây dựng chương trình bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi tại cộng đồng cũng như tại nhà dưỡng lão và bệnh viện.

Ăn uống hợp lý sẽ giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Theo lời khuyên của bác sĩ Dương Ngọc Vân (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), nhu cầu đạm động vật ở người cao tuổi chỉ chiếm khoảng 30% mỗi ngày. Do đó, người cao tuổi nên giảm ăn thịt, đặc biệt là các sản phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật. Tốt nhất, nên bổ sung vào bữa ăn của người cao tuổi các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc từ thực vật, như: Các loại đậu, mè, lạc, vừng…

Cũng theo bác sĩ Dương Ngọc Vân, để giảm lượng mỡ trong máu, người cao tuổi nên sử dụng dầu thực vật. Đồng thời, khi chế biến món ăn cho người lớn tuổi, chỉ nên luộc, hấp hoặc hầm nhừ kỹ để làm mềm thức ăn, giúp dễ ăn và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tập thói quen giảm lượng đường, tinh bột và ăn nhạt để giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Thay vào đó, người cao tuổi nên ưu tiên bổ sung đường tự nhiên từ trái cây, ăn nhiều rau xanh giàu chất xơ giúp kích thích đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa.

Với thời tiết mùa thu hanh khô, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết thêm, để tăng cường sức khỏe, người cao tuổi nên thay đổi các loại đồ ăn của mùa hè mát mẻ bằng việc sử dụng các loại đồ ăn lỏng, nóng như cháo, hoặc các loại súp; nên chia nhiều bữa nhỏ, khoảng từ 4 đến 5 bữa/ngày; không ăn quá no trong một lần, tránh ăn quá muộn buổi tối, quá gần giờ ngủ… Ngoài ra, người cao tuổi nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, đồng thời hình thành thói quen chủ động uống nước, không nên chờ khát mới uống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi: Làm sao để khỏe mạnh, tránh bệnh tật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.