(HNMO) - Ngày 27-8, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về việc quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Ngoại giao, thời gian qua, Chính phủ, cơ quan hữu quan đã làm tốt cong tác tuyên truyền, vận động dư luận trong và ngoài nước nhằm duy trì hòa bình, hợp tác; nhất là bảo vệ chủ quyền, đấu tranh vì quyền, lợi ích đất nước.
Bên cạnh đó, các công tác liên quan gồm xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật, văn bản dưới luật theo hướng hội nhập và phù hợp thông lệ cũng như cam kết quốc tế đã được quan tâm thỏa đáng, dành được sự đồng thuận của các dối tác quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lâp quan hệ đối tác chiến lược với 14 quốc gia, quan hệ toàn diện với 11 quốc gia. Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế, với nhiều đóng góp quan trọng, hữu ích.
Về kinh tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rọng vào đời sống kinh tế quốc tế, mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài ben cạnh các hình thức hợp tác khác. Các bô, ngành và địa phương luôn quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) và cả nước có hơn 400 ngàn DN hoạt động tính đến cuối năm 2014, giải quyết việc làm cho hơn 11 triệu người lao động. Theo Bộ Công Thương, công tác hội nhập. mở rộng xuất khẩu được quan tâm, đạt kết quả đáng ghi nhận; một số DN đã tạo dựng được thương hiệu và có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục sớm, gồm: sự thiếu hiểu biết về các quy định liên quan đến DN trong quá trình hội nhập, DN và sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, có nhiều đơn vị còn thờ ơ với yêu cầu hội nhập…
Hà Nội là một trong những địa phương chủ động trong hội nhập quốc tế và thu được kết quả tích cực. Đó là, thu hút 26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ các nguồn lực, mời gọi đầu tư cũng như hợp tác kinh tế, tiếp nhận công nghệ từ các đối tác nước ngoài. Thành phố cũng mở rộng giao lưu, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, mời gọi du khách quốc tế và được nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại, trong đó việt Nam đã và đang tích cực hội nhập, trên nhiều phương diện như văn hóa, chính trị, ngoại giao, kinh tế… và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Thời gian tới cần phát huy những kết quả và khắc phục các hạn chế, tồn tại trên cơ sở nâng cao nhận thức, đồng thuận xã hội và sẵn sàng hành động từ các cấp, ngành, địa phương. Việt Nam đang chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch hành động về hội nhập cũng như quyết tâm tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ rệt; từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.