Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rà soát, đánh giá kết quả triển khai công tác hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng

Nguyễn Thúc| 14/04/2023 19:16

(HNMO) - Chiều 14-4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo. Phiên họp nhằm kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo, rà soát, đánh giá kết quả triển khai công tác hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng kể từ sau Đại hội XIII đến nay và thống nhất phương hướng triển khai công tác hội nhập quốc tế trong năm 2023 và những năm tới.

Toàn cảnh cuộc họp chiều 14-4-2023.

Tham dự phiên họp có Phó Trưởng ban chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các bộ, ban, ngành liên quan. 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đường lối hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thành các chiến lược, kế hoạch cụ thể của từng ngành. Trên cơ sở đó, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đã được triển khai bài bản, khoa học, chủ động, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời, hài hòa lợi ích với các đối tác; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng cường tiềm lực từng ngành nói riêng, nâng cao vai trò và vị thế của đất nước và của từng ngành. Bộ trưởng cũng thông báo về kế hoạch tổng kết Nghị quyết 22-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế, nêu rõ đây là một trọng tâm trong công tác hội nhập quốc tế trong năm 2023.

Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đại biểu tham dự đã có tham luận, đóng góp ý kiến về kết quả công tác hội nhập trong từng ngành, lĩnh vực thời gian qua cũng như phương hướng triển khai thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng trong tổng thể công tác đối ngoại và hội nhập của đất nước; biểu dương công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai công tác hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng một cách toàn diện, sâu rộng và hiệu quả.

Hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng đã góp phần vào thành công trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương với các nước và đối tác đi vào chiều sâu; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại cuộc họp.

Trước những chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực cũng như những yêu cầu của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị, các đại biểu làm rõ những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, đặc biệt, gợi mở những ý tưởng mới để nâng tầm công tác hội nhập quốc tế, những biện pháp tăng cường hợp tác giữa các trụ cột hội nhập quốc tế, giữa các cơ quan trung ương và địa phương. 

Về trọng tâm công tác thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung làm tốt công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế bảo đảm chất lượng và lộ trình đề ra; tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hội nhập; tăng cường phối hợp giữa hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng với các trụ cột hội nhập khác là hội nhập quốc tế về kinh tế và hội nhập quốc tế về văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo; nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế của toàn thể bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương, nhất là về các yêu cầu, nhiệm vụ mới của hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, đánh giá kết quả triển khai công tác hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.