Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam hưởng ứng “Thúc đẩy di cư lao động an toàn”

L.H| 19/12/2012 00:32

(HNMO) - Hàng năm, có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các lao động Việt Nam làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần vào số lượng khoảng 215 triệu lao động di cư trên toàn thế giới.


Năm nay, nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế về Người Di cư (18/12), Chính phủ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát động chương trình “Thúc đẩy di cư an toàn”. Trong khuôn khổ Chương trình này, nhiều hoạt động tại Hà Nội và một số địa phương sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, truyền thông về những bước cần thiết để di cư an toàn và trách nhiệm của cá nhân người di cư, của người sử dụng lao động, của các đơn vị tuyển dụng, của Chính phủ và các đối tác trong việc tiến tới di cư an toàn và hiệu quả. Các hoạt động sẽ thể hiện các sáng kiến của chính phủ và các đối tác trong việc thúc đẩy di cư an toàn và tăng cường đối thoại về những vấn đề liên quan đến quả lý lao động di cư.

Đi làm việc ở nước ngoài có thể là một sự lựa chọn hay một chiến lược quan trọng đối với các cá nhân và gia đình tại Việt Nam. Ngoài sự đóng góp về tài chính, sau khi đi làm việc ở nước ngoài, với trình độ tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc cũng như hiểu biết xã hội học hỏi, tích lũy trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động trở về là một nguồn nhân lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.


Những rủi ro trong di cư rất khác nhau giữa nam giới và nữ giới, giữa các nhóm lao động di cư có độ tuổi, có trình độ tay nghề khác nhau. Điều này cho thấy di cư lao động an toàn có nghĩa là người lao động di cư phải được thông tin đầy đủ, di cư thông qua các kênh chính thống và được thụ hưởng đầy đủ sự bảo vệ về quyền và nhân phẩm.

Hoạt động di cư an toàn cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ đối với người di cư trong công tác chuẩn bị trước khi đi làm việc ở nước ngoài, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, cũng như sau khi người lao động về nước. Những sự hỗ trợ cần thiết gồm có đảm bảo chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ trước phái cử, đảm bảo các dịch vụ lãnh sự để hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, thị trường lao động và quá trình hòa nhập thuận lợi vào xã hội sau khi trở về. Ở phạm vi quốc tế, các thỏa thuận hợp tác lao động song phương đảm bảo các quyền lợi trong việc làm và là nền tảng cho công tác bảo vệ người lao động trong thời gian làm việc tại nước ngoài.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp của lao động Việt Nam và bảo đảm sự an toàn của họ ở nước ngoài. Những giải pháp này bao gồm việc thành lập một Trung tâm Hỗ trợ Lao động Di cư (MRC) tại Hà Nội, một kết quả hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA)/Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và một Mạng lưới Di cư Lao động và các hoạt động vươn tới cộng đồng thuộc cấp tỉnh, một kết quả hợp tác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và IOM.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), MOLISA cùng với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam đang thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ người lao động di cư khỏi nạn bóc lột lao động trong khuôn khổ các dự án khu vực về di cư an toàn và hợp pháp. Trong chương trình hợp tác với Cơ quan Phụ nữ của Liên hiệp quốc (UN Women), DOLAB cũng hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan để tăng quyền năng và bảo vệ quyền của lao động nữ di cư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hưởng ứng “Thúc đẩy di cư lao động an toàn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.