Nhiều năm nay, Việt Nam không chỉ được thế giới đánh giá là điểm sáng trong bức tranh phục hồi, phát triển kinh tế, mà còn trong xây dựng, phát triển thương hiệu. Trong đó, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, mà còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu.
Tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 5 năm từ 2019 đến 2023, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới là 102%. Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, thì đến năm 2022, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đã đạt trên 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm trên 60% số lượng doanh nghiệp lọt vào tốp 10.
Cụ thể, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỷ USD, thì năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD. Điều này khẳng định thành quả ấn tượng của quá trình hội nhập kinh tế thương mại thông qua hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sôi động, mạnh mẽ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá trị thương hiệu tăng vượt bậc đã ghi nhận sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Ghi nhận từ Bộ Công Thương, thời gian qua, với sự hỗ trợ của chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, giá trị doanh nghiệp. Trong đó, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.
Đơn cử trong ngành thực phẩm, Vinamilk là một điển hình khi tiếp tục duy trì thứ hạng 6 trong tốp 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và tốp 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa theo xếp hạng của Brand Finance. Trên nền tảng của một thương hiệu quốc gia, TH True Milk cũng đã có những bước tiến đáng kể trên thị trường thế giới khi được nhiều nước chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu.
Hay như Viettel, là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng tốp 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023” (Global 500) và đứng ở vị trí 234. Ngoài ra, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong tốp 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực.
Tạo động lực xây dựng thương hiệu
Dù đã đạt được những thành tựu khả quan, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, thực tế chưa có nhiều thương hiệu mạnh do bản thân các doanh nghiệp có nguồn lực hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về sứ mệnh xây dựng thương hiệu.
Theo khảo sát doanh nghiệp của Bộ Công Thương thời gian qua cho thấy, ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt, do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại Việt Nam, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài, thiếu quan tâm khai thác và quản lý thương hiệu. Công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, còn ít xuất hiện logo có giá trị cao.
Chia sẻ về khó khăn, hạn chế trong công tác xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách và phát triển thương hiệu (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) Nguyễn Thy Nga cho biết, thương hiệu là giá trị tài sản vô hình, nhưng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức, mà vẫn có xu hướng thiên về giá trị tài sản hữu hình. Trong những khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp chú trọng đến xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn chưa đạt đến 30%, và có sự chênh lệch rất nhiều trong định vị hình ảnh và phát triển thương hiệu giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại.
Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng thương hiệu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không mấy dễ dàng. Hầu hết các nhà quản trị doanh nghiệp và những người làm marketing Việt Nam đều hiểu rõ vai trò cạnh tranh của việc xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, nguồn lực phát triển thương hiệu phần lớn chỉ có ở các doanh nghiệp lớn.
Vì vậy, theo bà Nguyễn Thy Nga, xây dựng thương hiệu cần có sự gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và quan trọng cần có được sự ủng hộ từ chính người tiêu dùng Việt. Với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ vừa qua, việc ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ, gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng… là một hành động cần thiết.
Cốt lõi của doanh nghiệp là thị trường và sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp cần có sự sáng tạo với sản phẩm của mình và dành hết tâm huyết để có sản phẩm, dịch vụ chất lượng đến tay người tiêu dùng. Bởi, dù thương hiệu có quảng bá đến đâu thì cũng có thể mất bất kỳ lúc nào nếu người tiêu dùng quay lưng vì chất lượng không thích ứng và cải tiến. Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng đang đặt ra vấn đề lớn cho xây dựng thương hiệu.
Muốn vươn ra biển lớn, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt, hiện nay, các hiệp định thương mại tự do đang là cơ hội lớn để xuất khẩu hàng hóa nhưng doanh nghiệp phải nhận diện được việc cần làm và làm được gì trong "sân chơi" hội nhập. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành hàng cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.