(HNM) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với nước ta từ ngày 14-1, tác động đến nhiều khía cạnh về lao động, việc làm.
Lao động ngành dệt may dễ bị máy móc thay thế trong tương lai. Ảnh: Viết Thành |
- Xin ông cho biết, CPTPP tác động đến khía cạnh lao động, việc làm của Việt Nam như thế nào?
- CPTPP được triển khai trên 11 quốc gia, bao trùm thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu. Các nhà kinh tế kỳ vọng, CPTPP cùng với Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam trong tương lai sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm, bao gồm cả việc làm trong doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có chung đặc điểm là nhấn mạnh đến quyền lao động, bảo đảm tự do thương mại sẽ đóng góp cho phát triển bền vững, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
- Theo ông, Việt Nam đã nỗ lực ra sao nhằm đáp ứng những yêu cầu về lao động?
- Trên thực tế, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực lao động. Dễ nhận thấy, các quy định của pháp luật về lao động từng bước mở rộng đến người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng có sự đàm phán để đi đến thống nhất giữa các bên, gồm đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia thể hiện sự công bằng, khách quan, minh bạch về chính sách tiền lương.
Đối với các công ước của ILO, Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia 5 công ước cốt lõi liên quan đến lao động trẻ em; bình đẳng, chống phân biệt đối xử trong lao động. Ba công ước còn lại đang trong quá trình nghiên cứu.
Cùng với đó, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động năm 2012. Dự thảo Bộ luật đã đề cập đến chính sách nhằm xóa bỏ lao động cưỡng bức, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm; mở rộng cơ chế về giải quyết tranh chấp lao động… Những quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được tham vấn ý kiến rộng rãi. Sự nỗ lực này sẽ góp phần đưa hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực lao động đến gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là khung cơ bản để Việt Nam tiến hành cải cách toàn diện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có vấn đề lao động, việc làm.
- Thực hiện những cam kết về lao động, Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Những nghiên cứu của ILO cho thấy, sự thay đổi của khoa học và công nghệ sẽ tác động để tái cấu trúc bản chất của việc làm cả về số lượng và chất lượng trong các ngành sản xuất, dịch vụ. Ước tính, 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may, da giày ở Việt Nam có thể bị máy móc thay thế trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là, lực lượng lao động tay nghề thấp sẽ đi về đâu nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.
Trước yêu cầu phải nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thì lực lượng lao động của Việt Nam chưa đáp ứng tốt. Hiện nay, số lao động làm công ăn lương của Việt Nam mới chiếm 36%, trong khi tỷ lệ lao động làm việc đồng áng và làm việc tại gia đình chiếm tới 64%. Trong tổng số lao động làm công ăn lương vẫn còn khoảng 40% số người không có hợp đồng lao động. Hơn nữa, Việt Nam đang đứng trước thách thức già hóa dân số; lao động di cư tự phát; biến đổi khí hậu…
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức?
- Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách về thị trường lao động tích cực, dự báo những thay đổi trong thị trường việc làm, đưa hoạt động đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới, cải thiện hệ thống giáo dục… Hệ thống chính sách pháp luật về lao động cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và xu hướng phát triển của xã hội.
Hệ thống công đoàn cần đổi mới hoạt động theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp và quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của họ. Người lao động cần chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; rèn luyện ý thức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định của doanh nghiệp để không bị đào thải. Doanh nghiệp cần trả lời câu hỏi phải làm thế nào để tạo ra những nơi làm việc khiến người lao động nhìn thấy tương lai trong 10-20 năm và quyết định gắn bó lâu dài…
- ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt hơn những cam kết về lao động như thế nào, thưa ông?
- Từ khi Việt Nam gia nhập ILO vào năm 1992 cho đến nay, ILO đã làm việc với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhiều cơ quan khác về nội dung hiện đại hóa pháp luật về lao động; cải thiện chính sách quốc gia; tăng cường năng lực của các đối tác quốc gia nhằm bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới.
Hiện nay, ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải cách pháp luật lao động và quan hệ lao động, đồng hành với hệ thống Công đoàn Việt Nam trong quá trình đổi mới hoạt động. Dẫu biết sự thay đổi không dễ, song với nỗ lực để thích ứng, tôi tin Việt Nam có đầy đủ điều kiện để thực hiện, cải thiện tốt mối quan hệ lao động cũng như các vấn đề về lao động, việc làm khi chính thức gia nhập thị trường rộng lớn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.