(HNM) - Sau gần 2 năm đàm phán căng thẳng, Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - gồm 11 nước tham gia. Sự kiện diễn ra giữa lúc Anh tìm cách thắt chặt các mối quan hệ trong khu vực và xây dựng mạng lưới thương mại toàn cầu.
CPTPP là hiệp định thay thế cho Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút lui năm 2017 giữa 11 quốc gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Trong thông báo về thỏa thuận gia nhập CPTPP, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định: “Anh là một quốc gia tự do thương mại và mở cửa, thỏa thuận này cho thấy các lợi ích kinh tế thực sự với Anh sau khi rời khỏi EU”. Việc gia nhập CPTPP giúp Anh thực hiện một cam kết quan trọng rằng sau khi rời EU, Anh có thể tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn những nền kinh tế gần về địa lý.
Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP, qua đó đưa CPTPP trở thành hiệp định toàn cầu. CPTPP sẽ là khối thương mại gồm hơn 500 triệu người và chiếm 15% tổng sản phẩm toàn cầu khi London trở thành thành viên thứ 12. Anh đã đệ đơn gia nhập CPTPP từ tháng 2-2021, bắt đầu đàm phán vào tháng 6 cùng năm. Sau gần 2 năm đàm phán, 11 nước thành viên và Vương quốc Anh sẽ ký thỏa thuận kết nạp tại cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 7 tới.
Theo các số liệu của Anh, thỏa thuận trên về dài hạn sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Anh thêm 1,8 tỷ bảng (2,2 tỷ USD). Trong khi đó, là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới tính theo số liệu vào năm 2021 và với 67 triệu người tiêu dùng, Anh là một thị trường hấp dẫn. Việc mở rộng, với sự tham gia của Anh sẽ giúp CPTPP đa dạng hóa chuỗi cung ứng nội khối, xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp của quốc gia này với các nước thành viên. CPTPP tạo cơ hội để tăng cường liên kết thương mại trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mang đến nhiều cơ hội cho các quốc gia khác nhau.
Với việc gia nhập CPTPP, hơn 99% hàng hóa của Anh xuất sang các nước thành viên sẽ được áp dụng mức thuế bằng 0, bao gồm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ô tô, chocolate, máy móc và rượu whisky. Tư cách thành viên CPTPP sẽ bổ sung và củng cố các hiệp định thương mại song phương hiện có mà Anh đã ký kết, bao gồm các hiệp định với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Việt Nam.
Cao ủy Thương mại Anh khu vực châu Á - Thái Bình Dương Natalie Black nhấn mạnh: “CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tiến bộ nhất trên thế giới và việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ đưa hiệp định này từ một hiệp định trong khuôn khổ Thái Bình Dương trở thành một hiệp định mang tính toàn cầu thực sự. Với tư cách là thành viên lớn thứ hai, sự tham gia của Vương quốc Anh sẽ giúp tăng tổng sản phẩm của khối từ 9.000 tỷ bảng lên 11.000 tỷ bảng”.
Từ khi rời thị trường chung châu Âu, Anh đã nỗ lực đạt thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế của mình. Tư cách thành viên CPTPP sẽ gắn kết Anh hơn nữa, đồng thời mang lại cho London tiếng nói trực tiếp hơn trong các vấn đề khu vực. Việc gia nhập CPTPP cũng sẽ cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ rằng, Anh sẽ tiếp tục ủng hộ thương mại tự do và công bằng, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và loại bỏ các rào cản thương mại bằng mọi biện pháp, giúp củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Minako Morita-Jaeger, nhà nghiên cứu chính sách tại Đài quan sát chính sách thương mại Vương quốc Anh cho biết, CPTPP có thể cho phép Anh tăng cường quan hệ chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng để bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.