Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã góp phần quan trọng tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, các doanh nghiệp cần chuyển hướng tiếp cận thị trường CPTPP để hàng Việt định vị tại thị trường tiềm năng này.
Dư địa còn rất lớn
Đánh giá về hiệu quả thực thi CPTPP tại Canada, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 26,4% so với năm 2021. Tính cả giai đoạn 5 năm sau khi thực thi CPTPP, con số này tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022.
Còn theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng tới 110% sau 5 năm. Với kết quả này, Canada là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP.
Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada. Canada hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới.
“CPTPP là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu hàng hóa và thị trường của nhau. Đồng thời, CPTPP tác động tích cực, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics… giữa Việt Nam và Canada”, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh nhận định, sau gần 5 năm có hiệu lực, CPTPP đã góp phần tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường này. Tiêu biểu xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Canada, Mexico có tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả giai đoạn đại dịch Covid-19. Riêng thị trường Peru có năm tăng trưởng lên đến 3 con số.
Dù đạt những kết quả tích cực, song giá trị mặt hàng xuất khẩu sang thị trường CPTPP còn khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng chú ý, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP chủ yếu thuộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sản phẩm vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất khẩu mặt hàng gia công hoặc sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh… Tính riêng tại các thị trường lớn như Peru, Canada, nhiều mặt hàng hiện chỉ chiếm khoảng 3-5%.
Cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định này chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Điển hình như tại thị trường Canada, trên 60% hàng nhập khẩu từ Việt Nam là các sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
“Mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều, nhưng khoảng 4 tỷ USD, tương đương khoảng 60% các sản phẩm của Việt Nam đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0 nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được”, bà Trần Thu Quỳnh nhận định.
"Chìa khóa" là xây dựng thương hiệu
Các chuyên gia cho rằng, để gia tăng sự hiện diện và giá trị xuất khẩu tại thị trường CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận mới theo hướng xây dựng và định vị thương hiệu riêng. Theo đó, các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt và xây dựng giá trị bền vững cho thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới.
Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Trịnh Huyền Mai cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.
“Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu bài bản, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến kế hoạch truyền thông định kỳ; đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường nước ngoài”, bà Trịnh Huyền Mai lưu ý.
Để xây dựng thương hiệu riêng tiến tới xuất khẩu bền vững, ông Ngô Chung Khanh chỉ rõ, trước tiên doanh nghiệp cần vượt lên tâm lý “an phận” làm gia công thuần túy chuyển sang tư duy dám làm, dám chấp nhận những rủi ro và có chiến lược tiếp cận thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp.
“Mỗi thị trường, quốc gia có một tiêu chuẩn riêng nhưng về cơ bản hàng hóa phải bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt yêu cầu mới hiện nay là phải “xanh”, sạch, phải được số hóa”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu hàng hóa; tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng xây dựng thương hiệu, từ đó góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.