(HNM) - Sau vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón khiến một học sinh Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy) tử vong hồi tháng 8-2019, mới đây, sự việc tương tự lại xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm). Rất may, nam học sinh lớp 4 này đã đập cửa xe, gọi cứu trợ kịp thời. Đại diện nhà trường lý giải, đây là xe do phụ huynh tự thuê nên “không quản lý được”. Dù với lý do gì thì qua vụ việc này, đặt ra yêu cầu cấp thiết: Quản chặt dịch vụ đưa đón học sinh.
Theo thống kê của ngành Giáo dục, hiện cả nước có hơn 8.500 xe ô tô đưa đón học sinh. Chưa kể nhiều trường hợp phụ huynh tự thuê xe đưa đón con em mình.
Mặc dù, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã có nội dung liên quan đến dịch vụ vận chuyển học sinh, nhưng chưa phản ánh được tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe đối với loại hình dịch vụ này. Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng bổ sung một số quy định đối với xe đưa đón học sinh. Cụ thể, xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo, màu sơn đặc trưng, có camera để theo dõi trên xe… Những quy định này là cần thiết, nhưng chưa thực sự mang lại sự an tâm cho phụ huynh.
Qua những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, có lẽ cần đưa dịch vụ vận chuyển học sinh vào nhóm kinh doanh có điều kiện; từ đó có những yêu cầu chặt chẽ về phương tiện, ràng buộc trách nhiệm người lái xe, người quản lý học sinh và các cá nhân, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình công việc cho những người kinh doanh dịch vụ này cũng là việc cần thiết… Đặc biệt, phải loại bỏ hình thức thuê xe ô tô tự phát đưa đón học sinh. Đây là việc cần làm ngay, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.