Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh học phí, không bỏ quên học sinh nghèo

Thống Nhất| 18/05/2023 15:22

(HNMO) - Ngày 18-5, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh để hiểu rõ nguyện vọng về mức học phí dự kiến áp dụng đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024.

Những băn khoăn, lo lắng ban đầu không còn. Dự kiến của thành phố về việc áp dụng mức học phí thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ nhận được sự đồng thuận cao. Mối lo của các gia đình khó khăn cũng đã được giải tỏa bởi các chính sách hỗ trợ sẽ được vận hành.

Các trường học ở Hà Nội được đầu tư khang trang.

Mức thu phù hợp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông tin đáng chú ý là dự kiến tạm dừng hỗ trợ học phí từ năm học mới do đời sống của người dân đã không còn quá khó khăn như thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mức thu nhập bình quân năm 2022 của người dân Hà Nội đã tăng so với năm 2021 là 7,01%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,4% so với năm 2021. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2022. Ngày 1-7-2023, mức lương cơ bản cũng được tăng hơn 20%.

Bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết, nhà trường thuộc khu vực nông thôn, với dự kiến đề xuất mức thu học phí có thể áp dụng vào năm học tới, học phí sẽ lên mức 100.000 đồng/tháng/học sinh.

“Đây là mức thu phù hợp. Việc thành phố hỗ trợ học phí cho học sinh trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân là rất ý nghĩa. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống của người dân từng bước ổn định thì thành phố dừng hỗ trợ là hợp lý”, bà Thúy chia sẻ.

Tiếp cận thông tin Hà Nội đề xuất dừng hỗ trợ và áp mức thu học phí mới từ năm học 2023-2024, chị Nguyễn Thị Thu Phương, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, Hà Nội đề xuất mức thu 300.000 đồng/tháng/học sinh là hợp lý. Đây cũng là mức thu thấp nhất theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy lãnh đạo thành phố đã dành sự quan tâm và ưu tiên rất nhiều cho việc học tập của học sinh.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) bày tỏ, đời sống của người dân sau dịch Covid-19 đã dần ổn định. Tới đây, công nhân viên chức sẽ được tăng lương nên thu nhập sẽ khá hơn. Việc đồng hành cùng nhà trường đầu tư cho việc học tập của con em mình là quyền lợi, cũng là trách nhiệm của phụ huynh học sinh.

“Thực chất, mức học phí dự kiến áp dụng từ năm học mới đã được áp dụng từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, nhờ chính sách nhân văn của thành phố, gia đình học sinh chỉ phải đóng một phần học phí. Nay đời sống đã ổn định, quyết định tạm dừng hỗ trợ là điều bình thường, ngân sách thành phố cần ưu tiên hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn...”, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn

Giải tỏa mối lo lắng của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Ước tính, số lượng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí là 16.623 học sinh; tổng kinh phí hỗ trợ ước khoảng 16,6 tỷ đồng.

Theo đó, các trường hợp sẽ được thành phố Hà Nội miễn học phí trong năm học 2023-2024 bao gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh khuyết tật; trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh người dân tộc thiểu số rất ít người.

Đáng chú ý, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội áp dụng chính sách miễn học phí cho người học tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp. Đây là thông tin rất đáng quan tâm trong bối cảnh Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

Bên cạnh chính sách miễn học phí, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giảm học phí với hai mức giảm là 70% và 50%, tùy từng đối tượng. Mức giảm 70% được áp dụng cho các trường hợp học sinh học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Các trường hợp được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh học phí, không bỏ quên học sinh nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.