Giáo dục

Không bỏ quên học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thống Nhất 12/07/2023 - 17:00

Việc Hà Nội áp dụng mức thu học phí với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 khiến không ít phụ huynh học sinh lo lắng. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, việc điều chỉnh mức học phí không làm ảnh hưởng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Bảo đảm công bằng

Với mức học phí mới vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua và chính thức áp dụng từ năm học 2023-2024, có thể thấy, học sinh theo học các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đều được áp dụng mức thu thấp nhất trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

thu-vien-thcs-trung-chau-dan-phuong.jpg
Học sinh Trường THCS Trung Châu (huyện Đan Phượng) đọc sách trong thư viện mở dịp hè. 

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, việc điều chỉnh mức học phí năm học 2023-2024 là theo lộ trình đã được quy định tại nghị định của Chính phủ, các địa phương đều phải thực hiện. Lãnh đạo thành phố đã quyết định mức thu học phí ở mức thấp nhất trong khung quy định, thể hiện sự quan tâm, ưu tiên cao nhất với sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với tất cả học sinh các cấp học. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh diện chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật… vẫn tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ như năm học trước.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho hay, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, thành phố, huyện luôn ưu tiên kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vượt khó, diện chính sách và các trường hợp đặc biệt.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, năm học 2023-2024 thành phố Hà Nội vẫn duy trì áp dụng các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng học sinh theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. “Tổng số trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 dự kiến là 16.623 học sinh, trong đó có gần 5.200 học sinh được miễn học phí, số còn lại được giảm học phí. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí của toàn thành phố là khoảng 16,6 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương thông tin.

Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh

Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội áp dụng chính sách miễn học phí cho các đối tượng học sinh gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh khuyết tật; trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh người dân tộc thiểu số rất ít người.

Đáng chú ý, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội tiếp tục áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp. Thông tin này được khá nhiều gia đình học sinh quan tâm trong bối cảnh số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm tăng, đồng thời với việc Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh. Đây là phương án rất đáng quan tâm với những học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, đang mong muốn có một kế hoạch học tập để vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có bằng nghề.

Bên cạnh chính sách miễn học phí, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giảm học phí với hai mức giảm là 70% và 50%, tùy từng đối tượng.

Mức giảm 70% được áp dụng cho trường hợp học sinh học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trẻ em học mẫu giáo và học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Các trường hợp được giảm 50% học phí gồm: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.

Đón nhận thông tin này trong sự vui mừng và nhẹ nhõm, ông Kiều Văn Nam, phụ huynh học sinh Trường THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất), chia sẻ: “Con tôi vừa nhập học lớp 10. Hiện nay, dù không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, song cuộc sống của nhiều gia đình thuộc địa bàn xã miền núi còn nhiều khó khăn. Với nghị quyết mới ban hành và chủ trương duy trì các chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định như năm học trước, mối lo về việc tăng học phí từ năm học mới của nhiều gia đình đã được giải tỏa. Gia đình tôi yên tâm hơn với việc học tập của con và sẽ thường xuyên quan tâm, động viên con cố gắng học tập”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không bỏ quên học sinh có hoàn cảnh khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.