Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sự bình yên của Thủ đô

Tiến Thành| 10/10/2020 06:09

(HNM) - Trong nhiệm kỳ qua, Chương trình số 05-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016-2020” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hoàn thành xuất sắc mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì sự bình yên của Thủ đô. Đây cũng là tiền đề để Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tiếp theo.

Công an thành phố Hà Nội ra quân bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.

Giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô

Với 8 nhiệm vụ và giải pháp chung, 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố cùng tổ chức thực hiện, Chương trình số 05-CTr/TU hướng đến mục tiêu cao nhất, đó là vì sự bình yên của Thủ đô. Vì thế những năm qua, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Hà Nội vẫn luôn là địa chỉ tin cậy để tổ chức nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng trong nước và quốc tế.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, Thủ đô Hà Nội là điểm đến an toàn của nhiều nguyên thủ quốc gia. Không chỉ có vậy, Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế với yêu cầu đặc biệt cao về công tác bảo vệ, như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 (tháng 2-2019)… Lực lượng Công an đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm tốt công tác bảo vệ khoảng 2.000 sự kiện mỗi năm.

Để Thủ đô luôn bình yên, an toàn, lực lượng Công an thành phố đã tập trung “đánh mạnh” các loại tội phạm, xử lý nhanh các vụ phạm pháp hình sự. Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, 5 năm gần đây, tội phạm tiếp tục được kiềm chế. So với nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ điều tra khám phá án trong nhiệm kỳ 2015-2020 bình quân hằng năm đạt 80,46%, tăng 5,9%; trong đó tỷ lệ điều tra trọng án đạt 98,4%, tăng 6,21%... Cùng với đó, không để tồn tại các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các tụ điểm phức tạp, kéo dài về hình sự và tệ nạn xã hội...

Thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị đã đem lại những kết quả tích cực. Trong đó, ùn tắc và tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, giảm về cả 3 tiêu chí… Công an thành phố cũng quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định, thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội để Thủ đô phát triển.

Trong đó, Bộ Tư lệnh luôn coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị; thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu cho bộ đội thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ; xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô “tinh, gọn, mạnh”, đủ khả năng làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, không bị động, bất ngờ... Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn cử gần 40.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, năm 2019, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ với quy mô lớn, không gian rộng. Cuộc diễn tập có các nội dung: Diễn tập thực binh xử trí tình huống giải tán đám đông biểu tình gây rối an ninh, trật tự và tấn công đối tượng khủng bố, giải cứu con tin; diễn tập phòng thủ dân sự và diễn tập khu vực phòng thủ thành phố...

Tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn mới

Chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp tiến công địch trong buổi Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019.

Từ kết quả Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI), để tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, là tiền đề để Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những mục tiêu chủ yếu được Thành ủy đề ra đó là tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống. Trong đó, các lực lượng Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi hoàn cảnh, không để bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước.

Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội xây dựng thế trận an ninh nhân dân, kết hợp gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng, chống các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về môi trường… Cùng với đó là giảm thiểu tai nạn giao thông ở tất cả các tiêu chí; ngăn chặn, xử lý kịp thời các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn, hoàn thiện quy định quản lý Công an chính quy tại các xã, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chú trọng kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Trong quy hoạch và xây dựng phải chú trọng tính lưỡng dụng của các công trình, vừa bảo đảm phục vụ dân sinh vừa đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh khi có tình huống xảy ra; đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời tăng cường các nguồn lực cho quốc phòng, đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng vũ trang để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống; tiếp tục chỉ đạo khảo sát, lập kế hoạch xây dựng các công trình phòng thủ của thành phố và các địa phương trong tình hình mới.

Trong giai đoạn tới, công tác xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô được thực hiện theo phương châm “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo hướng tinh gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao... là lực lượng nòng cốt, xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, đồng thời thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sự bình yên của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.