Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vướng mắc vẫn tồn tại?

Việt Nga| 08/04/2014 06:39

(HNM) - Những kiến nghị của DN công nghệ thông tin cho thấy việc triển khai, thực hiện chính sách của các cơ quan quản lý và chính DN có những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Trong số hơn 30 kiến nghị bằng văn bản và trực tiếp tại hội nghị do các DN trong ngành gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, có hai kiến nghị rất đáng lưu ý. Đó là kiến nghị của VNPT Hà Nội về việc được bồi thường khi di dời công trình viễn thông phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) và ý kiến của đại diện DN trong Khu CNTT tập trung Cầu Giấy chưa được hưởng ưu đãi từ thuế, đất đai.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển. Ảnh: Hải Anh


Trước hết, với kiến nghị của VNPT Hà Nội, đây là lần thứ ba đơn vị này kiến nghị về bồi thường công trình viễn thông di dời khi GPMB. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ toàn ngành năm 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức cuối năm 2013, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đã cho biết, VNPT phải chi khoảng 800 tỷ đồng/năm cho việc di chuyển cơ sở hạ tầng, mạng lưới, thiết bị phục vụ cho GPMB khi các đơn vị khác thực hiện các dự án giao thông, đô thị… Vì vậy đơn vị này đã kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước (gồm bộ và các sở TT-TT trên toàn quốc) có ý kiến với các ngành liên quan để xây dựng cơ chế chi trả bồi thường cho DN đỡ một phần thiệt hại. Tiếp đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Sở TT-TT tổ chức vào tháng 1-2014, trong bài phát biểu của mình, Giám đốc VNPT Hà Nội Tô Dũng Thái đề nghị Sở TT-TT kiến nghị với UBND thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ cho đơn vị khi buộc phải di dời công trình viễn thông để phục vụ dự án GPMB. Và trong buổi gặp mặt giữa các cơ quan chức năng của thành phố với DN trong ngành, một lần nữa, VNPT Hà Nội lại kiến nghị thành phố giải quyết vấn đề này. Được biết, về cơ chế hỗ trợ công trình viễn thông phục vụ GPMB có thể vận dụng theo các điều đã có quy định trong một số văn bản của nhà nước và thành phố, nhưng không hiểu sao, 3-4 tháng đã trôi qua, kể từ khi các kiến nghị được nêu, DN vẫn tiếp tục phải nhắc lại!?

Lãnh đạo Công ty Hài Hòa (đại diện cho cộng đồng DN trong Khu CNTT tập trung Cầu Giấy) cho biết, dù thành phố đã tổ chức trao chứng nhận Khu CNTT tập trung đến nay đã 8 tháng nhưng DN vẫn chưa được hưởng ưu đãi (quyết định công nhận cuối tháng 8-2013; lễ đón nhận từ tháng 10-2013). Cũng vấn đề này, tại buổi làm việc của Bộ trưởng TT-TT và lãnh đạo UBND thành phố với Khu CNTT tập trung tháng 2-2014, cộng đồng DN cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước sớm thực hiện các ưu đãi về thuế cho các DN hoạt động tại đây. Tại buổi làm việc này còn có lãnh đạo các sở, ngành thành phố cùng dự, như Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế. Lãnh đạo thành phố đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan phải cùng tháo gỡ những vướng mắc (nếu có) để xây dựng cơ chế hỗ trợ cho DN… Tuy nhiên, đến nay, một lần nữa DN vẫn phản ánh chưa nhận được hỗ trợ theo quy định.

Thực tế cho thấy không ít văn bản quy định chính sách hỗ trợ cho DN có thể còn vướng mắc, chưa rõ hoặc ở tình trạng giao thời giữa văn bản cũ và mới (ví dụ trường hợp áp dụng ưu đãi cho Khu CNTT tập trung Cầu Giấy) gây khó khăn cho các đơn vị thực thi khi áp dụng. Song có một vấn đề là các kiến nghị đã nêu từng được lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo thành phố tiếp thu và giao các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết… Vậy mà thời gian trôi, nhưng vướng mắc vẫn tồn tại!? Đã đến lúc, cần nghiêm túc xem xét, giải quyết những tồn tại này tạo điều kiện cho DN được hưởng đúng, đủ những ưu đãi của Nhà nước và mục đích cuối cùng là tạo điều kiện cho DN phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vướng mắc vẫn tồn tại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.