Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao vẫn tồn tại những "khuyết tật" đô thị?

Thế Phương| 30/05/2015 06:01

(HNM) - Hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo tiếp tục xuất hiện và đang được gấp rút hoàn thiện trên những con đường mới mở, trong khi hàng trăm căn nhà như vậy ở nhiều tuyến phố trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Câu chuyện không mới này, thành phố đã nhiều lần hạ quyết tâm xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng những "khuyết tật đô thị" vẫn tồn tại. Vì sao vậy? Vì rất nhiều lý do. Bên cạnh những yếu tố khách quan do lịch sử để lại trong quá trình triển khai các dự án mở đường có những bất cập, yếu kém trong quản lý đô thị...

Để xảy ra việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên bất kỳ tuyến phố nào, trước hết, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Chủ yếu là trách nhiệm của Thanh tra xây dựng. Lực lượng này đã được tổ chức từ quận, huyện đến phường, xã, do vậy, không thể nói chuyện "không biết để xử lý kịp thời". Tuy nhiên, cũng không thể "trăm dâu đổ đầu... cơ sở". Các cơ quan hữu quan của thành phố cũng có trách nhiệm khi chưa xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về quản lý đô thị cũng như các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm sát với tình hình thực tế... Và có một thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước đang phải "chạy theo" vi phạm, nhưng cũng chỉ là xử lý phần "ngọn" (xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại). Cũng rất đáng nói là sau khi giải phóng mặt bằng, mở ra đường mới... giá trị đất mặt phố tăng lên, nhà siêu mỏng, siêu méo nhanh chóng được kiên cố hóa, người dân đã ổn định cuộc sống... thì vấn đề càng thêm phức tạp.

Để giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc, không để tình trạng người dân cố bám trụ mặt đường theo kiểu "mạnh ai nấy làm".

Nhưng quan trọng hơn, nếu không quan tâm tới những thửa đất sau thu hồi và quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố... thì vẫn tồn tại những ô đất nhỏ hẹp, méo mó để những nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên. Theo một nhà nghiên cứu đô thị: Hiện đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nhưng cần có thêm văn bản hướng dẫn như về vấn đề hợp khối, cấp phép xây dựng hoặc thiết kế đô thị. Khi mở đường mới phải có thiết kế đô thị, có giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, nêu rõ những ngôi nhà nào được phép cải tạo, căn nào phải hợp khối. Hiện nay đã quy định tương đối rõ về diện tích nhưng hình dáng thế nào là hợp lý, thế nào là chưa hợp lý..., phải được thể hiện thông qua thiết kế đô thị của từng tuyến đường...

Thực tế, lãnh đạo thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo như: Tổ chức rà soát, thống kê số lượng, vị trí nhà siêu mỏng, siêu méo dọc các tuyến đường, xây dựng phương án xử lý triệt để từng trường hợp cụ thể; xử lý nghiêm chủ công trình vi phạm và xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước... Đồng thời chỉ đạo: Khi lập dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới phải có quy hoạch hai bên đường kèm theo, với chính sách giải phóng mặt bằng áp dụng thống nhất... Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai chủ trương của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề. Và đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại như một "khuyết tật" đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao vẫn tồn tại những "khuyết tật" đô thị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.