Hà Nội kết nối

Vì sao thành phố Hồ Chí Minh lập Sở An toàn thực phẩm?

Nhóm phóng viên 24/09/2023 - 08:58

Giữa tháng 9-2023, kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm, đưa thành phố trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có mô hình sở này. Đây cũng là bước thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh.

a387.png
Sở An toàn thực phẩm sẽ thống nhất chức năng quản lý lĩnh vực này, trước đây thuộc về 3 sở khác nhau.

Phù hợp nhu cầu thực tế

Ngày 19-9, HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết cho phép thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) từ ngày 1-1-2024, trên cơ sở phát triển từ mô hình Ban An toàn thực phẩm được Chính phủ cho phép thành phố thí điểm tổ chức hoạt động suốt 6 năm qua.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, mô hình sở sẽ thực hiện tốt hơn việc thống nhất các lực lượng quản lý ATTP, tham mưu tốt hơn cho UBND thành phố trong lĩnh vực này.

a388.jpg
Đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X biểu quyết thông qua chủ trương thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Việc thành phố Hồ Chí Minh từ 6 năm trước được Chính phủ cho phép thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm, xuất phát từ yếu tố rất riêng của thành phố trong lĩnh vực này. Theo đó, với tốc độ đô thị hóa cao, ngành Nông nghiệp thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Số còn lại phải nhập từ các địa phương khác hoặc từ nước ngoài về. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng thực phẩm rất quan trọng.

Trong khi đó, theo quy định pháp luật, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm có đến ba cơ quan cùng quản lý, gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương. Công tác phối hợp trên thực tế bộc lộ nhiều bất cập, do việc xác định phạm vi và quyền hạn quản lý, xử phạt vi phạm chưa rõ ràng; có nơi có lúc còn chồng chéo… dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa cao.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2349/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 và Quyết định số 446/QĐ-TTg ngày 1-4-2020 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 2-2-2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm.

a393.jpeg
Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã qua 6 năm hoạt động thí điểm.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm: “Qua 6 năm hoạt động, Ban Quản lý đã thể hiện tốt mô hình tập trung quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; ứng phó kịp thời những tình huống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn… Nay, việc thành lập Sở sẽ giúp đơn vị có thêm quyền hạn để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình”.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở tổ chức của Ban An toàn thực phẩm sẽ giúp thành phố có cơ quan đầu mối phụ trách công tác quản lý về an toàn thực phẩm vốn thuộc về 3 sở.

a390a.jpg
Mô hình dự kiến của Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Đồ họa: TTO.

Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm theo nguyên tắc nguyên trạng (nhiệm vụ, bộ máy và biên chế…) từ Ban An toàn thực phẩm cũng không gây khó khăn về cơ cấu tổ chức, nhân sự… trong việc tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND thành phố Hồ Chí Minh làm tốt vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

“Sở sẽ là đầu mối thống nhất và duy nhất về quản lý an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh, vừa tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Sở là cơ quan duy nhất được tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo như trước. Sở cũng sẽ là cơ quan thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trên địa bàn….”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin.

a394.jpg
Trước khi đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổng kết hiệu quả hoạt động mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, ngay trước mắt, cần có thay đổi trong một số quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực này. Đơn cử quy định về quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm hiện chỉ thuộc về Chánh thanh tra Sở Y tế; Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chánh Thanh tra Sở Công Thương...; chỉ có các công chức, viên chức thuộc ba sở này được lập biên bản vi phạm hành chính. Vì vậy, cần có quy định trao những quyền này cho Sở An toàn thực phẩm.

Nói cách khác, khi thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều quy định hiện hành trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thú y, Luật Thủy sản… hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên thành phố rất cần sự giúp đỡ từ Trung ương.

a392.jpg
Chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng việc thành lập Sở An toàn thực phẩm góp phần để thành phố an toàn, xanh, sạch hơn.

Cùng với việc chuẩn bị cho Sở An toàn thực phẩm hoàn thành các thủ tục pháp lý để chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2024 với chức năng, nhiệm vụ rộng hơn, trước mắt, các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng 2 nhiệm vụ lâu dài về vấn đề an toàn thực phẩm để thực hiện, đó là: Xây dựng môi trường thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn.

"Dù có được thành lập, Sở An toàn thực phẩm không thể là “cây đũa thần” giải quyết ngay mọi tồn tại hiện nay. Do đó, sự ủng hộ, đồng hành của Trung ương, của người dân và xã hội sẽ là yếu tố tiên quyết để mô hình thí điểm này tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần bảo vệ và nâng cao an toàn sức khỏe cho người dân, xã hội”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao thành phố Hồ Chí Minh lập Sở An toàn thực phẩm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.