TP Hồ Chí Minh

27 loại thuốc bị đình chỉ năm 2024: Cảnh báo chất lượng dược phẩm

Minh Tuấn 26/05/2025 - 14:15

Vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã và đang trở thành hiểm họa đối với sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn kinh tế...

W_yte-tphcm-26-5(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu. Ảnh: H.Phạm

Ngày 26-5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong phối hợp với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Y Dược thành phố tổ chức hội thảo với chủ đề: “Thuốc giả - hệ lụy thật: Giải pháp nào ngăn chặn?”.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/10 loại thuốc đang lưu hành tại các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc giả hoặc kém chất lượng.

Tại Việt Nam, theo thống kê, năm 2024 có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trong đó có 8 loại bị xác định là thuốc giả. Quá trình làm thuốc giả ngày càng tinh vi, được sản xuất bằng công nghệ in ấn hiện đại, giả mã QR, giả bao bì chống hàng giả, khiến ngay cả người trong ngành cũng khó phân biệt.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người. Bất kỳ hành vi sản xuất, buôn bán, lưu hành thuốc giả nào, dù chỉ là một viên thuốc cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, cần bị lên án, xử lý nghiêm minh.

“Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này rất rõ ràng và nhất quán, phải đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, phải xử lý cả hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm trong quản lý, để thuốc giả tồn tại và len lỏi vào hệ thống phân phối thuốc”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu.

Tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Trúc Vân, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những con số đáng lo ngại về thuốc giả. Cụ thể, số lượng thuốc giả phát hiện qua kiểm nghiệm có xu hướng tăng nhanh. Năm 2022, phát hiện 5 mẫu thuốc giả; năm 2023 là 12 mẫu; riêng năm 2024, con số này tăng vọt lên 40 mẫu, bao gồm 25 mẫu thuốc hóa dược không chứa dược chất và 15 mẫu thuốc từ dược liệu bị pha trộn tân dược.

Bàn về giải pháp, Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật, tăng mức phạt và bổ sung các quy định kiểm soát bán thuốc online, công khai thông tin đơn vị phân phối và áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Mặt khác, cần siết chặt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là kinh doanh trên mạng xã hội.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Quốc Bình, cần nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định và hệ thống cảnh giác dược để xử lý kịp thời các tình huống thuốc kém chất lượng, thuốc giả, ngăn ngừa tác hại của thuốc kém chất lượng, thuốc giả đối với mỗi cá nhân người bệnh cũng như toàn cộng đồng...

Theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Trong đó, thuốc tân dược đã kiểm tra, xử lý 178 vụ vi phạm, tạm giữ 262.158 đơn vị sản phẩm thuốc tân dược các loại với tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng, xử phạt với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
27 loại thuốc bị đình chỉ năm 2024: Cảnh báo chất lượng dược phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.