Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao giá thực phẩm tăng cao sau Tết?

Hương Thủy| 10/02/2019 15:13

(HNMO) - Những ngày trong và sau Tết, tại Hà Nội, giá thực phẩm tươi, sống như cá, tôm, thịt lợn… ở mức tương đối cao so với ngày thường. Vậy, đâu là nguyên nhân?


Hôm nay (10-2), tức mùng 6 tháng Giêng, các chợ truyền thống đã họp trở lại với nguồn hàng khá dồi dào. Trong khi đó, tại siêu thị, mặt hàng thực phẩm tươi, sống lại khan hiếm.


Thủy, hải sản giảm giá nhưng vẫn ở mức cao

Theo bà Nguyễn Thị Hướng, giá thịt lợn cao do người bán lấy vào ở mức cao khi những ngày sau Tết lò mổ mổ ít lợn hơn.


Tại một số chợ khu Mai Động, Thành Công, Quỳnh Mai, Nghĩa Tân…, các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi, sống được bày bán nhiều. Thịt lợn thăn được bán phổ biến ở mức 120.000 đồng/kg, sườn: 130.000 đồng/kg, thịt chân giò: 100.000 đồng/kg, thịt nạc vai: 100.000-110.000 đồng/kg. Các mức giá trên gần như giữ nguyên so với ngày sát Tết nhưng cao hơn so với ngày thường từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy loại.

Tương tự, thịt bò thăn có giá 300.000-320.000 đồng/kg trong khi ngày thường là 250.000-270.000 đồng/kg; bắp bò loại ngon ở mức 350.000 đồng/kg so với mức 280.000-290.000 đồng/kg; đặc biệt có loại lên tới 600.000 đồng/kg, tăng 100.000 đồng/kg.

Lý giải về việc giá thịt lợn ở mức cao, bà Nguyễn Thị Hướng (ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), một tiểu thương tại khu Mai Động cho biết, sau Tết, các lò mổ mổ ít lợn hơn nên giá thịt lợn cân móc (lợn đã được giết mổ và làm sạch để nguyên con) tăng từ 64.000 đồng lên 66.000 đồng/kg so với trước. Chính vì thế, dù mặt hàng này bán không thực sự “chạy” do người dân ngán thịt nhưng giá bán lẻ không thể giảm. Thông thường, sau rằm tháng Giêng, giá thịt lợn mới về mức như ngày thường.

Đáng chú ý là các mặt hàng thủy, hải sản. Đây là những mặt hàng tăng giá rất mạnh trong những ngày qua tại các khu chợ dân sinh. Tuy nhiên, hôm nay, giá đã hạ đáng kể. Chẳng hạn, nếu như vào mùng 3-4 Tết, giá tôm sú loại to được bán tới 650.000 đồng/kg thì hôm nay còn 550.000 đồng/kg (vẫn tăng khoảng 50.000-70.000 đồng/kg so với ngày thường); cá trắm hiện có giá 70.000-80.000 đồng/kg so với mức 90.000-110.000 đồng/kg của 2 ngày trước; cá chép: 70.000-75.000 đồng/kg so với mức 85.000-100.000/kg vào hôm qua.

Theo anh Trần Hảo (ở ngõ 254 Tam Trinh, quận Hoàng Mai), bán cá tại khu Mai Động, giá cá lên cao trong vài ngày qua bởi sức cầu gia tăng do người dân chán thịt và bánh chưng, mua cá về đổi món, trong khi số quầy bán mặt hàng này còn ít. “Tuy nhiên, đến hôm nay, nhu cầu về cá không nhiều và cũng đã có nhiều hàng bán hơn nên giá không còn quá cao”, anh Hảo nói.

Cua, ốc cũng là những mặt hàng được người dân lựa chọn nhiều sau những ngày Tết. Giá cua đồng được bán phổ biến là 200.000-220.000 đồng/kg, tăng 50.000-70.000 đồng/kg so với ngày thường. Giá ốc cũng cao hơn ngày thường 5.000-30.000 đồng/kg, ở mức 30.000 đồng/kg ốc vặn, 130.000-150.000 đồng/kg ốc mít (tùy loại).

Từ mùng 4 tháng Giêng, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đã mở cửa. Tuy nhiên, từ hôm đó đến nay, mặt hàng thực phẩm tươi, sống vẫn khan hiếm. Khảo sát tại 4 siêu thị, cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống Qmart, Tmart, Vinmart+ vào sáng 10-2, chỉ 1 siêu thị có đầy đủ mặt hàng tươi.

Bể đựng cá sống tại một siêu thị vẫn để không.


Tại quầy thực phẩm trong cửa hàng tiện ích Vinmart+ thuộc khu chung cư Times City, ngoài mặt hàng rau, có giò, gà, cá hồi; chưa xuất hiện thị lợn, thịt bò, cá nước ngọt. Nhân viên tại đây cho biết, nhà cung cấp chưa cung cấp nên siêu thị chưa có hàng để bán. Có thể một vài ngày nữa thực phẩm tươi sống mới đầy đủ.

Còn tại siêu thị Tmart trên đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), ngày thường, siêu thị vẫn bán cá tươi sống nhưng hôm nay bể đựng cá khô cong.

Siêu thị Qmart đã bán các mặt hàng như tôm đồng, cá chép, thịt gà, thịt bò làm sẵn. Siêu thị khai xuân từ mùng 4 Tết nhưng hôm nay cũng mới có tôm, cá để phục vụ người dân. Giá các mặt hàng này gần như không thay đổi so với ngày thường. Chẳng hạn tôm đã cắt râu: 176.000 đồng/kg; cá trắm khúc 149.000 đồng/kg; đầu và đuôi cá chép: 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, thịt gà, thịt lợn được giảm giá.

Thực phẩm tươi tại siêu thị


Rau xanh giảm giá

Có lẽ vì hệ thống siêu thị chưa mở cửa hoặc chưa cung cấp nhiều mặt hàng tươi, sống mà những ngày vừa qua, giá các mặt hàng này tăng mạnh tại chợ dân sinh.

Chị Ngọc Minh (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, vài năm nay, gia đình chị không còn tích trữ nhiều thực phẩm mỗi khi Tết đến bởi hàng hóa đã dồi dào. Gia đình chị thường mua thực phẩm tại siêu thị vì hàng bảo đảm chất lượng, giá ổn định. Mùng 4 Tết vừa qua, gia đình có khách, chị đi siêu thị mua cá về nấu canh chua nhưng không có nên đành phải mua ở chợ cóc với giá “cắt cổ”, lên tới 120.000 đồng/kg cá chép.

Cũng như chị Minh, chị Phạm Hoa (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ, mùng 3 Tết, gia đình chị làm lễ hóa vàng. Siêu thị gần nhà chưa mở cửa nên chị phải mua thịt và cá ở chợ với giá cao.

“Đa số mọi người hiện nay ít tích trữ nhiều thức ăn dịp Tết, nên từ mùng 3 Tết, nhu cầu về thực phẩm tươi, sống đã gia tăng. Hy vọng Tết năm sau, các siêu thị sẽ mở cửa sớm hơn và cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi, sống sớm để người dân không có cảm giác đi chợ mà như bị mất tiền”, chị Hoa nói.

Trong khi giá các mặt hàng thực phẩm vẫn ở mức cao thì giá rau xanh gần như trở về mức bình thường, thậm chí có loại còn rẻ hơn ngày thường. Hiện susu được bán phổ biến ở mức 4.000 đồng/kg, so với mức 12.000 đồng/kg sát Tết; su hào: 6.000 đồng/củ, giảm 1.000 đồng; rau muống: 6.000 đồng/mớ, giảm 4.000 đồng; đỗ trạch giảm 5.000 đồng còn 10.000 đồng/kg; bắp cải: 7.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; cà chua, khoai tây ở mức 10.000 đồng/kg; dưa chuột: 20.000 đồng/kg, giảm tới 10.000 đồng/kg...

Giá rau tại siêu thị ổn định, có loại giảm giá so với trước Tết


Tiểu thương Khắc Thị Hoa, chợ Quỳnh Mai cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến rau, củ, quả ở mức giá “mềm” như vậy. Trước tiên, Tết năm nay, thời tiết nắng nóng đã giúp các loại rau, củ phát triển nhanh, nhờ đó nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, cũng do thời tiết nắng, nóng nên nhu cầu ăn lẩu sau Tết của người dân giảm rõ rệt.

“Những năm trời rét vào dịp Tết, sau Tết, mặt hàng rau xanh được người dân mua về ăn lẩu rất nhiều. Nhưng năm nay sức mua kém hơn”, tiểu thương này cho biết.

Chính vì vậy, sau khi mở cửa hàng vào ngày mùng 4 Tết, bà Hoa chỉ bán túc tắc. “Ngày thường, tôi nhập khoảng 3 tạ mặt hàng rau, củ, quả các loại, vừa “đổ” cho nhà hàng, vừa bán lẻ tại chợ. Nhưng mấy ngày qua, tôi lấy cầm chừng do các nhà hàng vẫn nghỉ Tết và sức mua của người dân không quá mạnh”, bà Hoa nói.

Tại siêu thị, các mặt hàng rau ổn định, cũng có loại giảm giá so với thời điểm sát Tết. Chẳng hạn, rau muống được bán với giá 32.600 đồng/kg, cải thảo 19.900 đồng/kg, cải cúc 14.900 đồng/kg, bắp cải giảm từ 15.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg...

Báo cáo nhanh của Bộ Công Thương trong những ngày đầu xuân cho thấy, giá các mặt hàng tại siêu thị nhìn chung ổn định so với trước Tết. Tại các chợ, nhiều tiểu thương đã bán các mặt hàng hoa, quả, rau xanh, cá, thịt trở lại.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường thường trực 24/24h trong những ngày nghỉ Tết để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm… tại thị trường nội địa và khâu lưu thông; giám sát các điểm bán hàng bình ổn giá, các điểm bán hàng lưu động. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh, doanh nghiệp không bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng, thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Thanh Hiền
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao giá thực phẩm tăng cao sau Tết?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.