(HNM) - Đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.
Mục tiêu chính của đô thị thông minh là để tăng tính bền vững thông qua việc áp dụng và sử dụng công nghệ hiện đại, cải thiện các dịch vụ xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Xây dựng đô thị thông minh, bền vững đã và đang là xu hướng tất yếu, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong triển khai đô thị thông minh, bền vững, vai trò của cơ quan tiêu chuẩn hóa là đặc biệt quan trọng, bảo đảm thống nhất một thuật ngữ chung và các đặc trưng tối thiểu cho đô thị thông minh, bền vững. Một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho các bên liên quan. Ngoài ra cũng cần xem xét các tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng, tăng mức độ an toàn hoặc giảm thiểu ô nhiễm...
Hiện nay, đã có một số khung tiêu chuẩn cho đô thị thông minh đang được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Lợi ích của việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn này là sẽ giúp cho quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan; tăng tính minh bạch, khả năng cạnh tranh cũng như cải thiện trải nghiệm của người dùng, tăng tính bền vững, chất lượng cuộc sống, cải thiện hoạt động dịch vụ ở đô thị thông minh.
Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu lượng hóa các tiêu chí về đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục…), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững. Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh áp dụng toàn đô thị, khu vực đô thị phù hợp với Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.