(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Theo đề án, 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Tổng vốn dự kiến khoảng 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân (gồm cả chủ đầu tư dự án và người mua nhà). Lãi suất được xác định là 8,7%/năm với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 30-6-2023. Sau đó, định kỳ 6 tháng một lần, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay.
Đề án được kỳ vọng sẽ giúp giá nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đồng thời với chương trình tín dụng lãi suất thấp hơn mặt bằng chung dòng vốn sẽ hướng vào phân khúc nhà ở quan trọng này. Thực tế, lâu nay thị trường bất động sản vắng bóng nhà ở giá thấp, thậm chí nhà ở giá trung bình cũng ngày càng hiếm. Nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp khó về cơ chế, chính sách, dòng vốn, chưa thực sự thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển. Trong khi có dự án đã hoàn thành nhưng ở quá xa trung tâm đô thị, hạ tầng chưa đồng bộ nên không có khách mua. Đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng để mua nhà, ở trọ tại khu nhà chật chội, ẩm thấp.
Dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn, đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 1,2 triệu/2,7 triệu công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với 155.800 căn. Hơn 400 dự án đang triển khai với quy mô hơn 454.000 căn.
Nhu cầu và mục tiêu đặt ra rất lớn, vì vậy trong đề án, Chính phủ đã đưa ra những nhiệm vụ cụ thể. Đó là giao các bộ, ngành dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội; khi phê duyệt quy hoạch phải xác định diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Các tỉnh, thành phố phải trích phần tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội. Địa phương phải công khai quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất đầu tư; bố trí ngân sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Các thành phố lớn ưu tiên xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập, ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng…
Để cụ thể hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, trước hết các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào cuộc, khẩn trương đề xuất cơ chế, chính sách thuận lợi, hiệu quả, gỡ vướng mắc từ thực tiễn… Song song đó, ngành ngân hàng triển khai ngay gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội theo lộ trình đã công bố; bố trí vốn, thông tin rộng rãi điều kiện, thủ tục, đối tượng thụ hưởng. Nhà đầu tư nghiên cứu cơ cấu thị trường, quan tâm phát triển nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, vì đây là phân khúc có nhu cầu thực, phù hợp với đông đảo người dân. Quan trọng hơn, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, vừa giúp chủ đầu tư hạ giá sản phẩm, vừa phù hợp đối tượng mua là người thu nhập thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.