Môi trường

Hạn chế ô nhiễm không khí ở Hà Nội - Cách nào?

Hoàng Sơn 01/11/2024 - 06:41

Hà Nội đang bước vào mùa ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí đo được từ các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nhiều nơi ở ngưỡng kém và xấu, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế nguồn gây ô nhiễm không khí ở thành phố Hà Nội?

o-nhiem-khong-khi.jpg
Nguồn thải từ phương tiện giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Thu Hương

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong tháng 10, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí vào các ngày 7 đến 9-10, ngày 11 đến 13-10, ngày 17-10 và 22-10. Trong khung giờ 7h-11h, bầu khí quyển bị bao phủ màn sương mờ đục, đặc quánh. Đặc biệt, ở khu vực có mật độ giao thông cao, như: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa... chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 101-177 đơn vị. Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức cao, gấp hàng chục lần quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Thanh Thủy cho biết, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, trên địa bàn Thủ đô thường xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, trước các thông tin về việc Hà Nội có phải là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới hay không, thì cần phải có một hệ thống đánh giá chung và phương pháp khoa học thống nhất để kết luận.

Bà Lê Thanh Thủy cho biết thêm, tác nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội được các chuyên gia phân tích, chủ yếu do nguồn thải từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và đốt rơm rạ. Tùy vào khung giờ, mức độ phát sinh nguồn thải có sự khác nhau: Nguồn thải của hoạt động giao thông và bụi đường (chiếm 58-74%), nguồn công nghiệp (14-23%), nguồn nông nghiệp (3,4-18,9%)... Ngoài ra, các nguồn thải từ bên ngoài dịch chuyển vào gây ô nhiễm không khí ở thành phố. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tốt hay xấu còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Khi người dân tiếp xúc lâu dài với không khí có nồng độ bụi PM2.5 cao, có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và hen suyễn. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi.

Để hạn chế ô nhiễm không khí, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội phải có số liệu đầy đủ và cập nhật các nguồn thải để nắm được ngành nào, cơ sở nào, ở đâu, mức độ, nguyên nhân ô nhiễm để xây dựng kế hoạch xử lý; đồng thời công khai trách nhiệm các doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, đầu năm 2024, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng không khí, trong đó ưu tiên thực hiện các biện pháp giảm thiểu các nguồn thải gây ô nhiễm không khí, như: Vận hành ổn định hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí; đôn đốc các quận, huyện, thị xã xử lý triệt để tình trạng đốt rơm rạ và đốt rác thải; điều tiết, phân luồng giao thông tại các nút giao thông ùn tắc...

Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu; thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí cho Hà Nội, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động ứng phó, tránh việc sử dụng nguồn thông tin chưa đầy đủ cơ sở khoa học, gây tâm lý hoang mang dư luận.

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, thành phố cần chú trọng triển khai đề án giao thông thông minh trong thành phố thông minh; sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng; hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phát triển thêm hệ thống tàu điện trên cao, vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế ô nhiễm không khí ở Hà Nội - Cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.