Bất động sản

Phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Gỡ vướng để giúp dân an cư

Bảo Hân 10/04/2024 - 07:02

Các bất cập về cơ chế pháp lý, quỹ đất, dòng vốn cùng những vấn đề đi kèm là những rào cản hiện hữu khiến việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” gặp hàng loạt khó khăn.

LTS: Việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang gặp hàng loạt khó khăn.

Các bất cập về cơ chế pháp lý, quỹ đất, dòng vốn cùng những vấn đề đi kèm như hạ tầng xã hội, chất lượng công trình, điều kiện mua bán, cho thuê… là những rào cản hiện hữu. Trước thực trạng này, Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh việc thực hiện đề án. Để làm rõ hơn vấn đề, Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài:

Bài 1: Khoảng trống lớn chưa được lấp đầy

An cư là mong muốn chính đáng, thiết yếu của mỗi người, mỗi gia đình. Để có được một chỗ ở với giá cả “vừa túi tiền” là khát khao của những người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Nhu cầu lớn luôn hiện hữu là vậy nhưng việc đáp ứng không hề dễ dàng. Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội là một thực tế tồn tại nhiều năm qua.

khu-nha-o-xa-hoi-tai-khu-do.jpg
Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nguồn cung… nhỏ giọt

Ngày 11-5-2023, sau 3 đêm trắng xếp hàng, chị Nguyễn Thanh Thủy (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm vì vào đúng ngày cuối cùng theo hạn định, tập hồ sơ của chị đã được chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) tiếp nhận. Nhưng đó chưa phải là đích cuối bởi 9 ngày sau, chồng chị, anh Trần Hữu An mới thực sự bước vào cuộc chiến của sự “may rủi” khi tham dự vòng tiếp theo, bốc thăm suất mua nhà tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy.

Ngồi bên ngoài chờ chồng, chị Thủy ruột nóng như lửa đốt vì biết cơ hội rất mong manh. Khoảng 1.500 người có mặt tại đây để bốc thăm 150 suất mua nhà ở xã hội. Kết quả, chồng chị ra khỏi “nhà thi đấu” với cái lắc đầu, nét mặt buồn bã. Quãng đường về căn nhà thuê cách đó không xa, hai người động viên nhau tiếp tục chờ cơ hội ở những dự án khác.

Họ là một trong số hàng nghìn người đã bị từ chối cơ hội ngày hôm ấy. Hàng nghìn người ấy lại chỉ là con số nhỏ trong 500 nghìn người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội (khoảng hơn 130.000 căn hộ). Con số này được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nêu tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng vừa tổ chức.

“Cơn khát” nhà ở xã hội không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn tại nhiều đô thị lớn khác trong cả nước. Cung cấp nhà ở xã hội từ trước đến nay vẫn được coi là chính sách bảo đảm quyền lợi cơ bản của người lao động, người có thu nhập thấp và những người khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, thị trường nhà ở xã hội đang có sự lệch pha cung - cầu. Nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung chỉ “nhỏ giọt”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, nhu cầu nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng ngày càng lớn. Tổng hợp từ các địa phương cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,4 triệu căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 1.160.000 căn.

Tại Hà Nội, mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội, song nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, năm 2023, thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với dự kiến xây dựng 5,7 triệu mét vuông sàn. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung (3 khu tại các xã Tiên Dương, Đại Mạch, huyện Đông Anh; 2 khu còn lại ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), với kỳ vọng bổ sung khoảng 2,5 triệu mét vuông sàn vào quỹ nhà ở xã hội.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động luôn trong tình trạng bức thiết nhưng việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại thành phố còn chậm, chưa theo kịp tiến độ đề ra. Giai đoạn 2021-2025, theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, thành phố phải phát triển 26.200 căn nhà ở xã hội. Thành phố cũng đặt mục tiêu xây dựng được 35.000 căn, bao gồm cả nhà lưu trú công nhân, với 37 dự án. Tuy nhiên, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh mới hoàn thành được 1 dự án nhà ở xã hội, với 250 căn. Trong 36 dự án còn lại, chỉ có 6 dự án đang thi công, 30 dự án dang dở các thủ

tục pháp lý. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới chỉ có thể đẩy nhanh tiến độ về giải quyết thủ tục hành chính, giúp 13 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng với khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội. 23 dự án còn lại rất khó để hoàn thành từ nay đến năm 2025.

du-an-nha-o-xa-hoi-nhs-trun.jpg
Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Bảo Phương

Còn nhiều khó khăn

Hướng tới mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 4-2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 418.000 căn. Trong đó, 75 dự án đã hoàn thành với quy mô 39.800 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115.000 căn; 301 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 263.000 căn.

Tính riêng trong quý I-2024, theo báo cáo của 42/63 địa phương, đã có 13 dự án được triển khai với quy mô khoảng 16.000 căn. Trong đó, 5 dự án hoàn thành (3 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành một phần) với quy mô khoảng 2.000 căn; 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô khoảng 8.000 căn; 4 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 5.900 căn.

Về quy hoạch, các địa phương đã bố trí 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020. Mặc dù vậy, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa đạt như kỳ vọng bởi nhiều vướng mắc. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu đến năm 2025 của đề án. Thành phố Hà Nội có 3 dự án, tương đương 1.700 căn (đáp ứng 9% mục tiêu). Thành phố Hồ Chí Minh có 7 dự án với 4.900 căn (đáp ứng 19%). Đà Nẵng có 5 dự án với 2.700 căn (đáp ứng 43%)... Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Các tỉnh Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp thậm chí chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.

Đối với gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó mới có 6 dự án tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng - chiếm chưa đến 0,5% giá trị của cả gói.

“Chúng ta đều mong muốn, kỳ vọng vào kết quả tích cực trong việc triển khai đề án. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai đề án vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.

Ngày 16-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hàng loạt rào cản tiếp tục được nhận diện rõ nét để tìm giải pháp tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiến hành các công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Gỡ vướng để giúp dân an cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.