Trong lĩnh vực nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi được coi là cốt lõi của tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Vì thế, cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc nghiên cứu, phát triển giống cây, con mới, đặc sản đưa vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong những năm tới để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản trên thị trường.
Điểm nổi bật là trong những năm qua, Hà Nội đã tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa đặc sản. Hà Nội hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Trong đó, có thể kể đến gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa), rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ), rau sắng chùa Hương và mơ Hương Tích (huyện Mỹ Đức), cải mào gà (huyện Hoài Đức), sữa bò Ba Vì (huyện Ba Vì), bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), lúa gạo Khu Cháy (huyện Ứng Hòa), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai)...
Phải khẳng định, cùng với các giống mới, các giống cây, con đặc sản đã trở thành động lực giúp nông sản của Thủ đô phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Trong kế hoạch sản xuất giống cho lĩnh vực nông nghiệp, thành phố Hà Nội hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản, từ đó tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản có giá trị. Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng quý bản địa, áp dụng các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản.
Đáng chú ý, trong sản xuất giống cây trồng, thành phố chú trọng xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất cho từng loại giống cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng tầm cho đặc sản của Thủ đô.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đặt mục tiêu đưa hoạt động sản xuất con giống làm chủ lực của ngành chăn nuôi. Theo đó, thành phố sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất giống áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa. Đặc biệt, công tác quản lý về giống vật nuôi sẽ bảo đảm tất cả các cơ sở giống phải áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu giống thành phố Hà Nội và dữ liệu quốc gia, giống vật nuôi phải được gắn mã định danh để truy xuất nguồn gốc trong quản lý giống. Cùng với đó, áp dụng công nghệ gen vào chọn tạo giống vật nuôi, đẩy nhanh tiến bộ di truyền để công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong việc tạo dòng, tạo giống, nhân và phát triển giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc sử dụng giống đặc sản, giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt thì việc sử dụng giống đúng tiêu chuẩn, phẩm cấp là hết sức quan trọng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân khi mua giống phải lựa chọn được tổ chức, cá nhân cung cấp giống có uy tín, thương hiệu; chỉ nên sử dụng giống đúng tiêu chuẩn và phẩm cấp, từ đó phát huy được vai trò của giống trong nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đồng thời ngăn chặn triệt để giống giả, kém chất lượng.
Tựu trung, phát triển giống cây trồng, vật nuôi đòi hỏi phải làm tốt nhiều khía cạnh từ nhiệm vụ nghiên cứu, lai tạo, phục tráng đến công tác quản lý nhà nước, quản lý sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, làm sao để khi đưa giống vào sản xuất bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.