(HNM) - Sau một năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, chất lượng môi trường Thủ đô đã có cải thiện từng bước.
Trước hết trong công tác chỉ đạo, sau khi Nghị quyết 11-NQ/TU ban hành, UBND thành phố đã có Kế hoạch số 160/KH-UBND cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nghị quyết. Trong đó, thành phố tập trung phòng ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm; cải tạo, phục hồi khu vực bị ô nhiễm; đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng hiệu quả, năng lực quản lý... Đặc biệt, thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đồng thời bảo đảm cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân.
Có thể thấy, kết quả lớn nhất là sự chuyển biến từ các sở, ngành, địa phương trong việc tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; là chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của từng người dân. Nhiều chương trình, dự án được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực như trồng 1 triệu cây xanh, xử lý môi trường hồ nước, lập điểm quan trắc không khí...
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề môi trường theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TU vẫn là một trong những công việc lớn của thành phố cả trước mắt, cũng như lâu dài, đòi hỏi phải làm bền bỉ. Bởi, như báo cáo của UBND thành phố chỉ rõ, một số nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư còn chậm tiến độ so với kế hoạch; ô nhiễm không khí, nguồn nước, sông, hồ... vẫn hiện hữu; nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề, kể cả trong các cụm công nghiệp theo quy hoạch vẫn là những nguồn phát thải gây ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để. Đáng nói, có cả những vấn đề là hệ quả của một quá trình sử dụng, khai thác tài nguyên không hợp lý, phát triển thiếu quy hoạch (như ô nhiễm, cạn kiệt nước ngầm; ngập úng do quy hoạch, thực hiện quy hoạch đô thị chưa đầy đủ...) đòi hỏi tầm mức giải quyết mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Xuất phát dưới góc độ ý thức, vẫn còn phổ biến hiện tượng xả rác bừa bãi nơi công cộng; bỏ rác không đúng giờ, nơi quy định dẫn đến việc dù tỷ lệ thu gom rác cao nhưng vẫn tồn tại các điểm rác lưu cữu ở nhiều nơi, vừa gây ô nhiễm, vừa làm mất mỹ quan đô thị...
Vì thế, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Thuận lợi của Hà Nội là Thành ủy có Nghị quyết 11-NQ/TU, UBND thành phố có Kế hoạch số 160/KH-UBND, với những đầu việc cụ thể giao cho các cấp, ngành. Trên cơ sở kết quả đạt được, tồn tại đã chỉ ra, các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ của mình, với tinh thần tập trung vào những việc cấp bách để làm trước. Đó là xử lý chất thải, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí; cấp nước sạch; di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch...
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và nhân dân; từ những việc nhỏ như đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rơm rạ, không sử dụng bếp than tổ ong... đến những việc lớn như cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; từ phương pháp xử lý như nhắc nhở, tuyên truyền đến xử phạt, xử lý trách nhiệm, bắt buộc ngừng hoạt động cơ sở vi phạm.
Không chỉ ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, các ngành cũng chủ động đề xuất cơ chế thu hút doanh nghiệp đủ năng lực giải quyết vấn đề môi trường lớn, bức xúc của Thủ đô. Ngoài ra là đẩy mạnh chương trình hợp tác liên vùng, liên tỉnh, quốc tế để tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến vào giải quyết các vấn đề môi trường của Thủ đô.
Đó là những giải pháp đồng bộ, quyết liệt TP Hà Nội đã và đang thực hiện vì môi trường Thủ đô sạch hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.