Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Vì dân phục vụ''

Bài và ảnh: Triệu Dương| 16/08/2022 05:50

(HNNN) - Không tham gia phá án, trấn áp tội phạm “như trong phim” nhưng công việc của các chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng rất bận rộn, vất vả. Đặc biệt là trong 2 năm qua, họ đã phải nỗ lực căng mình để hoàn thành việc cấp cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 66 triệu người dân cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ công an giúp đỡ người dân làm thủ tục cấp căn cước công dân tại cả trụ sở và nhà riêng của công dân.

Chiến dịch 30 ngày đêm

Đã nửa tháng qua kể từ khi Công an thành phố Hà Nội phát động chiến dịch 30 ngày đêm cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử (từ 24-7 đến nay) cho những công dân còn lại của Thủ đô, như bao đồng đội khác, Đại úy Lê Thanh Đạo, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm, ít về nhà hơn. Cư dân sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đông và đa dạng nên để sàng lọc, xác minh nhân thân là công việc không hề đơn giản. Đơn cử như khi chuẩn bị hoàn tất, khép lại hồ sơ CCCD cho khu vực phố Hàng Bạc (tính từ ngã tư Đinh Liệt - Tạ Hiện tới Hàng Ngang - Hàng Đào), dữ liệu báo về vẫn sót 1 trường hợp là Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1977) khiến cả đơn vị phải phối hợp cùng cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn rà soát lại. Phạm Minh Tuấn là trường hợp nghiện ma túy lâu năm nhưng vẫn là công dân, có quyền bình đẳng trước pháp luật nên không thể bỏ sót, không thể phân biệt đối xử. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng phát hiện Phạm Minh Tuấn đã bị công an phường Phúc Xá, quận Ba Đình, bắt giữ vì hành vi buôn bán trái phép chất ma túy ở khu vực chợ Long Biên vào tháng trước, nên “bài toán” đã được giải bằng cách phối hợp cùng trại tạm giam để hoàn thành nốt công việc.

Từ nhiều ngày nay, trụ sở Công an phường Phúc Xá, quận Ba Đình, lúc nào cũng tấp nập. Dù đang trong giờ nghỉ trưa hay vào đêm khuya, các cán bộ, chiến sĩ công an vẫn miệt mài bên danh sách công dân chưa làm CCCD gắn chíp. “Ở đây công dân phổ biến là lao động phổ thông, nên gọi được là một chuyện, mời được họ lên trụ sở để cấp CCCD gắn chíp là một chuyện khác” - Trung tá Phạm Thế Anh, Trưởng Công an phường Phúc Xá chia sẻ.

Quận Hoàn Kiếm cũng có nhiều người già yếu gặp nhiều khó khăn khi di chuyển tới nơi làm căn cước nên các chiến sĩ đã không quản ngại vất vả đến từng hộ để hỗ trợ. “Trong cơn mưa nhẹ sáng ngày nghỉ cuối tuần, hình ảnh cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm xuống tận nhà những công dân cao tuổi, trong đó có cụ bà Nguyễn Thị Mậu, sinh năm 1925, ở 3C Nguyễn Văn Tố, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, để trực tiếp đưa cụ tới trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm làm CCCD đã để lại dấu ấn khó phai về hình ảnh người chiến sĩ công an vì dân phục vụ. Thật đẹp và bình dị!” - đó là lời tâm sự trên nhóm Zalo của cộng đồng dân cư phường Cửa Đông được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi, để lại nhiều bình luận tốt đẹp.

Tương tự, như Trung tá Hà Duy Mạnh, Trưởng Công an phường Hàng Bồ, cho biết, trên địa bàn phường có hơn 40 trường hợp công dân là người cao tuổi, già yếu, có người mắc bệnh ung thư hoặc bị liệt, trong đó có 2 cụ tròn 100 tuổi, số còn lại đều trên 75 tuổi, việc đi lại rất khó khăn, vì vậy cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nhanh chóng phối hợp, đến tận nơi đón họ đến trụ sở để làm CCCD.

Việc làm thiết thực, ý nghĩa

Thẻ CCCD gắn chíp điện tử sẽ là giấy tờ thay thế hộ khẩu để công dân thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính. Hà Nội là 1 trong 5 địa phương của cả nước được Bộ Công an giao hoàn thành công tác cấp CCCD gắn chíp cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa bàn trước ngày 31-8-2022. Trước nhiệm vụ ấy, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh 01 mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, đây được coi là “trận chiến tổng lực” cuối cùng trong chiến dịch đặc biệt kéo dài 2 năm qua...

Được coi là “tư lệnh chiến dịch”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, qua 2 năm triển khai cấp CCCD gắn chíp, đợt cao điểm này sẽ còn gặp khó khăn vì những công dân đủ điều kiện nhưng chưa đi làm hồ sơ cấp CCCD đều là những trường hợp đặc biệt. Song, vượt lên trên tất cả vì nhiệm vụ chung, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vẫn quyết tâm hoàn thành, đảm bảo tất cả công dân đủ điều kiện đều có CCCD gắn chíp, thuận lợi trong giao dịch dân sự khi hộ khẩu giấy hết hiệu lực.

Điều này cũng được Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông nhấn mạnh, để nhiệm vụ được triển khai quyết liệt, đạt hiệu quả cao nhất, cơ quan công an đã có văn bản tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Xác định rõ việc cấp CCCD gắn chíp tích hợp tài khoản định danh điện tử hướng tới Chính phủ điện tử là chủ trương đúng đắn, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất trong thời đại số hóa nên bằng công tác tuyên truyền và thực tế công tác, người dân đã ủng hộ và nghiêm túc tham gia làm thủ tục. Đây chính là sự ghi nhận nỗ lực của lực lượng công an với mục tiêu mang lại lợi ích, giảm bớt sự phiền hà cho người dân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong tháng 6 và tháng 7-2022, đơn vị nhận được rất nhiều đơn đề nghị của công dân về việc xin cấp CCCD tại nhà. Để đáp ứng nhu cầu của người dân vào ngày nghỉ cuối tuần, những cán bộ, chiến sĩ giàu kinh nghiệm của đơn vị đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD lưu động, san sẻ bớt áp lực cho Công an các quận, huyện. Với phương châm “trọng dân, gần dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ”, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là người cao tuổi, người tàn tật, ốm, yếu... khó khăn trong vận động, Công an thành phố đã bố trí xe đưa đón tại nhà đối với các cụ già, người tàn tật đi làm CCCD gắn chíp. Việc làm thiết thực, ý nghĩa đó đã góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an “vì dân phục vụ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Vì dân phục vụ''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.